Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động bảo đảm an ninh nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:44, 14/11/2019
PV: Xin ông cho biết về hiện trạng nguồn nước mặt, đặc biệt là nguồn nước mặt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu?
Ông Lê Ngọc Linh:
Hiện nay, nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh được lấy từ hồ chứa nước Đá Đen và hồ Sông Ray. Ngoài 2 hồ cấp nước nói trên, các hồ khác cũng được đưa vào khai thác phục vụ cho cấp nước sinh hoạt của người dân như các hồ: Đá Bàng, Suối Các, Kim Long, Châu Pha, Sông Hỏa, Xuyên Mộc và suối Nhum.
Ông Lê Ngọc Linh Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt năm 2019 trên địa bàn cho thấy, chỉ số chất lượng nước WQI của các hồ cấp nước sinh hoạt nhìn chung đạt mục đích cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, chất lượng nước tại hồ cấp nước tưới tiêu, thủy lợi và chất lượng nước mặt các sông lớn chủ yếu ô nhiễm TSS, N-NH4 và Coliform. Các hồ không trực tiếp cấp nước sinh hoạt một số thời điểm có chỉ số chất lượng nước thấp chủ yếu do vi sinh (Coliform) vượt chuẩn và chất rắn lơ lửng TSS độ đục cao do mưa.
Theo dự báo, nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp và du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 khoảng 240 triệu m3, nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm sắp tới.
PV: Để bảo vệ nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt nói riêng và nguồn nước mặt nói chung, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai những giải pháp nào?
Ông Lê Ngọc Linh:
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bao gồm danh sách các hồ chứa nước, sông, suối, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ và phân kỳ thứ tự ưu tiên cắm mốc theo 5 năm, giai đoạn năm 2017 - 2022 và giai đoạn từ năm 2022 trở đi.
Tỉnh đã ban hành Quyết định về công bố danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện dự án bảo vệ môi trường các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó, đã tiến hành điều tra, đánh giá phân loại các nguồn thải và đề xuất các biện pháp, cơ chế quản lý nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Năm 2017, Sở đã thanh, kiểm tra116 cơ sở. Năm 2018, Sở đã thanh, kiểm tra83 cơ sở. Năm 2019, Sở đã thanh, kiểm tra 129 cơ sở.
PV: Còn quản lý việc xả nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp vào các sông, hồ thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Linh:
Hiện nay, 10/10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định. Chỉ còn 1 KCN Cái Mép đang hoàn thiện hệ thống xử ý nước thải tập trung nên chưa có cơ sở xem xét cấp giấy phép xả thải. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong KCN được xử lý sơ bộ, sau đó, thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra bên ngoài môi trường.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải ngoài KCN tùy theo quy mô, loại hình hoạt động, việc kiểm soát tình hình xử lý chất thải nói chung và nước thải nói riêng được phân cấp theo các cấp quản lý và theo ngành, lĩnh vực. Sự phân tán trong phân công trách nhiệm quản lý đã khiến cho việc theo dõi, báo cáo tổng hợp về hoạt động quản lý nước thải nói chung gặp rất nhiều khó khăn.
Nhìn chung, đến nay, việc kiểm soát các nguồn xả nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp quy mô cấp tỉnh đã dần đi vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên với sự tham gia phối hợp của lực lượng Cảnh sát môi trường đã dần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm soát các nguồn thải, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện Dự án điều tra, phân loại nguồn thải và xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường, song, trên thực tế, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý hoặc xử lý hình thức, đối phó gây ô nhiễm môi trường nguồn nước tiếp nhận như hiện nay. Bên cạnh đó, các nguồn thải phát sinh từ các hộ gia đình, ngành chăn nuôi, trồng trọt, nước thải đô thị cũng đang là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
PV: Ông cho biết, công tác đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường nước của tỉnh đến thời điểm này?
Ông Lê Ngọc Linh:
Để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện đề án “Điều tra khảo sát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức quan trắc chất lượng môi trường, trong đó, có môi trường các sông suối, hồ chứa nước với tần suất định kỳ 1 tháng/lần hoặc 2 tháng/lần tùy vị trí.
Hồ Đá Đen, một trong những cung cấp nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Từ tháng 9/2017 đến nay, ngoài kế hoạch quan trắc môi trường, để kịp thời theo dõi chất lượng nguồn nước mặt thượng nguồn cấp cho hồ Đá Đen, Sở TN&MT đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép thực hiện quan trắc bổ sung một số vị trí sông suối thượng nguồn cấp cho hồ Đá Đen.
Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư 6 trạm quan trắc nước mặt tự động (2 trạm tại sông Thị Vải, 1 trạm tại sông Chà Và, 1 trạm tại hồ Sông Ray, 1 trạm tại hồ Đá Đen, 1 trạm tại hồ Sông Hỏa). Đồng thời, đang triển khai đầu tư 3 trạm quan trắc nước mặt tại hồ Châu Pha, An Hải, nước suối Chà Răng chảy về hồ Đá Đen. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2021, sẽ đầu tư trạm quan trắc nước mặt tự động cho toàn bộ các hồ cấp nước sinh hoạt còn lại trên địa bàn tỉnh.
PV: Những giải pháp chính để đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Linh:
Để bảo đảm an ninh nguồn nước, thời gian tới, bên cạnh tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, cần thiết phải triển khai đồng thời các giải pháp sau nhằm bảo vệ nguồn nước. Trong đó, tăng cường phối hợp của các ngành, các cấp từ khi cấp phép đầu tư xây dựng đến khi đi vào hoạt động nhằm hạn chế tình trạng phát sinh các cơ sở hoạt động trái phép, nằm ngoài quy hoạch gây khó khăn cho công tác kiểm soát các nguồn thải.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống sông suối rất đa dạng, theo quan điểm phân chia lưu vực, có 4 hệ thống sông chính: sông Thị Vải, sông Dinh, sông Ray, sông Đu Đủ. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 31 hồ chứa nước quy mô trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Tổng lượng nước được tích trữ trong các hồ đập là trên 308 triệu m3, trong đó, dung tích hữu ích khoảng 276 triệu m3. |
Bên cạnh đó, thường xuyên vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư quan trắc môi trường tự động kịp thời theo dõi và đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!