Phát hiện quặng sắt sâu bằng phương pháp mới
Khoáng sản - Ngày đăng : 13:41, 14/11/2019
Trước nhu cầu quặng sắt ngày càng cao, việc tìm kiếm, đánh giá để bổ sung trữ lượng quặng sắt trở nên khó khăn, do các mỏ phân bố nông hầu như đã được xác định bằng lộ trình tìm kiếm địa chất và các công trình khai đào nông. Trước đây, ở vùng khảo sát, đã có một số công trình lập bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản ở tỷ lệ khác nhau, nhưng chưa phát hiện được quặng sắt. Chỉ đến khi sử dụng các phương pháp địa vật lý mới phát hiện được tụ khoáng.
Gần đây, các nhà địa chất của Liên đoàn Vật lý địa chất đã sử dụng thêm các phương pháp đo từ theo hành trình và trên các tuyến định sẵn; đo trọng lực, điện từ và đo sâu phân cực kích thích các tuyến đó; đào hào và khoan kiểm tra. Tổ hợp các phương pháp này đã giúp phát hiện mộc tụ khoáng ẩn, gồm chủ yếu là magnetit.
Mỏ khai thác quặng trên địa bàn Cao Bằng |
Nhờ phương pháp này, các nhà địa chất của Liên đoàn Vật lý địa chất đã phát hiện quặng sắt phân bố sâu ở tỉnh Cao Bằng. Tại đây, các nhà địa chất đã tiến hành các phương pháp gồm đo từ theo hành trình và trên các tuyến định sẵn; đo trọng lực, điện từ, đo sâu phân cực kích thích trên tuyến phân tích. Ngoài ra, đã thi công một số công trình hào và khoan để kiểm tra dị thường địa vật lý.
Ông Nguyễn Trần Tân, nguyên Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý địa chất, tác giả của phương pháp địa vật lý cho biết, chỉ có thể dùng phương pháp đo vẽ địa vật lý mới có thể xác định được hình trình bày lát cắt địa vật lý - địa chất của tuyến phân tích, hình ảnh này đã cho thấy quặng sắt ở đây có dạng vỉa phức tạp phân bố trong đới skarn, tiếp xúc giữa đá vôi và đá granit. Phần trên thân quặng đã bị phong hóa ở mức độ khác nhau. Theo tính toán sơ bộ, tài nguyên quặng sắt ở đây có thể đạt hơn 1 triệu tấn.
Ông Nguyễn Trần Tân cho biết, phương pháp đo từ là phương pháp truyền thống hàng đầu trong việc tìm kiếm quặng sắt nhưng nếu chỉ sử dụng đơn thuần phương pháp từ chưa đủ cơ sở để khẳng định sự tồn tại dưới sâu của các thân quặng. Ví dụ, tại tụ khoáng này, khi các công trình hào và khoan nông gặp quặng sắt, rất dễ ngộ nhận dị thường từ là do các thân quặng sắt nằm nông gây nên. Khi phân tích, xử lý tổng hợp tài liệu từ, điện từ, đo sâu điện và trọng lực mới có cơ sở khẳng định sự tồn tại của quặng phân bố sâu.
Ở Việt Nam, công tác tìm kiếm và khai thác quặng sắt được bắt đầu từ khá sớm, khoảng trước năm 1945 đã có các cuộc điều tra địa chất và xác định trữ lượng mỏ. Các nhà địa chất đã phát hiện, đánh giá được khá nhiều điểm và tụ khoáng sắt phân bố rải rác trên cả nước. Đáng kể nhất là các tụ khoáng Thạch Khê, Quý Xa, Nà Rụa, Nà Lũng, Bó Lếch, Mộ Đức... có trữ lượng từ vài triệu đến hàng chục triệu tấn. |
Nhận định về phương pháp mới này, ông Nguyễn Trần Tân cho rằng, tại Việt Nam ít khả năng tồn tại các tụ khoáng sắt lớn cỡ như các mỏ sắt Thạch Khê, Nà Rụa, nên để tiến hành việc tìm kiếm các tụ khoáng nhỏ nhằm cung cấp nguồn quặng sắt cho công nghiệp địa phương cần thiết phải sử dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý hợp lý.
Công nghệ phân tích, xử lý tổng hợp các tài liệu địa vật lý hiện nay cho phép xác định diện phân bố, độ sâu, chiều dày, hình dáng thế nằm của các thân quặng nằm sâu, mở ra hướng đi đúng đắn cho việc tìm kiếm quặng sắt nói riêng và khoáng sản nói chung trên đất nước ta.