Trong ám ảnh sắc tím 

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:35, 14/11/2019

(TN&MT) - Những chỉ số đánh giá môi trường mà giới chuyên môn đưa ra đang cho thấy, thời tiết cực đoan ngày càng dày thêm cả về số ngày, tần suất và chu kỳ lặp lại.

Ngay tại Hà Nội, những ngày đông giá với các đợt gió mùa đông bắc đang giảm. Cái nóng bất chợt giữa mùa đông không còn hiếm nữa. Hiện tượng mưa phùn cũng giảm một nửa.

Những ai yêu mùa đông sẽ còn phải buồn bã hơn nữa khi biết rằng, toàn miền Bắc đang đứng trước nguy cơ bị cái nóng "nuốt" mất.

Hà Nội chỉ là một trong những khu vực trên toàn cầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cả Trái đất đang cùng nóng lên.

Người dân Thủ đô Hà Nội bị ám ảnh bởi màu tím của chỉ số cảnh báo về môi trường không khí. Ảnh: Hoàng Minh

Chưa bao giờ các cuộc hội thảo, hội nghị, toạ đàm về biến đổi khí hậu lại diễn ra dồn dập như vậy. Bên bàn thảo luận, người ta chỉ ra, nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do sự gia tăng của khí nhà kính. Cũng bên bàn thảo luận, trách nhiệm của con người trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu được đưa ra mổ xẻ và hàng loạt biện pháp từ đơn giản đến phức tạp đã được đưa ra....

Nguyên nhân và cách khắc phục ai cũng rõ. Nhưng thực hiện thế nào và đến đâu là một vấn đề khác hẳn!(?)

Ở thời điểm này, những nguy cơ do biến đổi khí hậu không còn là cảnh báo nữa, mà đã là hiện hữu. Thế nên, hướng đi, lựa chọn của chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc những hạn chế, tận dụng những lợi thế để phát triển. Bài học về sự “phát triển nóng” các đô thị, có thể, đã đến lúc phải “tổng kết”. Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resort; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới.

Những cố gắng để tạo lập một môi trường sống tốt hơn sẽ không thể thành hiện thực khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.

Bây giờ, nhìn trong sự vận động quay cuồng của các đô thị lớn, sẽ thấy những mối nguy tiềm ẩn, ngay sát mình. Ngay chính mỗi người cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên chai sạn, thậm chí là vô cảm, đó là nguy cơ, là hiểm họa…

Không đâu xa, những cư dân đô thị là đối tượng dễ bị “nhiễm bẩn” nhất. Bởi vậy, để chuẩn bị đường dài cho sự thay đổi, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong ý thức người dân, tạo thành những khối thống nhất.

Cả tuần qua, người dân Thủ đô Hà Nội bị ám ảnh bởi màu tím của chỉ số cảnh báo về môi trường không khí. Thế nhưng, không thấy cơ quan chức năng có những biện pháp giảm ô nhiễm quyết liệt như các nước, trong khi tình hình ngày càng đáng lo ngại. Thay vào đó, chỉ thấy giải thích là do nghịch nhiệt và khuyến cáo người dân các biện pháp tự bảo vệ bản thân. Nhiều người đã bắt đầu nghĩ phải “sống chung với ô nhiễm".

Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, ở đâu có những đổi mới về tư duy, cách nghĩ, quan tâm đến điều kiện sống của người dân, ở đó thường hướng tới các vấn đề như cải tạo, không gian đô thị xanh, các công viên và các tiện nghi công cộng.

Nhưng, mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích cá nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.

Ngọc Lý