Tái sử dụng tro, xỉ - không bỏ lỡ tài nguyên!

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 18:53, 13/11/2019

(TN&MT) - Tro, xỉ của các nhà máy, nhiệt điện, thép có thể làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Các loại chất thải rắn này ở Việt Nam đã bước đầu tìm được thị trường tiêu thụ.

Theo Quy hoạch phát triển điện Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tổng lượng tro xỉ nhiệt điện phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện phát thải đến năm 2025 khoảng 29 triệu tấn. Với lượng tro xỉ này, đây là đầu vào của ngành vật liệu xây dựng như làm phụ gia khai khoáng cho xi măng, gạch không nung, bê tông, tấm thạch cao xây dựng thay thế một phần clanke xi măng, đất sét...

Tro, xỉ được sử dụng là nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng

Với các công dụng đó, thị trường mua bán tro, xỉ làm làm nguyên vật liệu xây dựng đã bước đầu được hình thành. Nhiều đơn vị thu mua khối lượng lớn tro xỉ để tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, gạch không nung hay dầm bê tông. Đơn cử như các nhà máy nhiệt điện than trực thuộc EVN đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng tro xỉ làm đập thủy điện RCC như Thủy điện Sơn La, Trung Sơn…Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại bán được trên 400.000 tấn tro, xỉ/năm, chiếm khoảng 65-70% tổng khối lượng tro, xỉ thải ra. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1,2 bán được khoảng 15% lượng tro, xỉ/năm. Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình bán toàn bộ tro, xỉ cho một doanh nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng.

Vừa qua, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cũng ký hợp đồng sử dụng tro, xỉ làm gạch không nung với 3 doanh nghiệp, tổng khối lượng thu mua khoảng 1.260.000 tấn tro, xỉ/năm. Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lượng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong cả vòng đời Nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển với Công ty Cổ phần đầu tư Mãi Xanh…

Ngoài ra, việc sử dụng xỉ gang, xỉ thép tại các nhà máy luyện gang thép cũng được sử dụng để làm nguyên liệu để làm nguyên liệu sản xuất hoặc vật liệu xây dựng. Theo báo cáo khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép trong năm 2018 ước đạt 4,28 triệu tấn và dự kiến đạt 7 triệu tấn vào năm 2020. Với khối lượng này, dư địa cho ngành thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng rất lớn.

Minh chứng cho điều này, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, trong một số nhà máy sản xuất thép, xỉ hạt lò cao, xỉ thép, sản xuất ra đến đâu đều được thị trường tiêu thụ hết đến đó. Tại Nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có 2,2 triệu tấn/năm xỉ hạt lò cao được công ty của Đài Loan bao thầu trọn gói. Formosa cũng có đề án trình Bộ TN&MT về chất thải rắn cuối cùng bỏ đi chỉ chiếm 4-6%, tái chế và tái sử dụng từ 94-96%.

Cũng tại một số nhà máy nhiêt điện than sử dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, sử dụng than nhập khẩu, lượng tro bay thải ra đến đâu đều được bán hết đến đó. Hiện chỉ còn tồn đọng lượng tro bay khi sử dụng than Việt Nam, do lượng carbon còn trong tro bay tương đối cao nên tiêu thụ khó, muốn sử dụng phải sơ chế tách bớt carbon.

“Những ví dụ này cho thấy, chất thải rắn công nghiệp của các ngành nghề phát sinh nếu được tái chế tái chế sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giải quyết bài toán về môi trường”, ông Thức nói.

Vẫn thiếu cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân loại tro, xỉ

Tuy nhiên, việc sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất còn đang gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là tái sử dụng trực tiếp các loại chất thải như tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Môi trường (Bộ TN&MT), hiện Việt Nam vẫn thiếu cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân loại tro, xỉ dùng cho các ứng dụng tiêu thụ nhiều như vật liệu san lấp, đắp nền đường…Đồng thời, cũng tồn tại sự chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý trong việc coi đây là chất thải nguy hại hay chất thải có thể được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thị trường tiêu thụ các loại chất thải rắn này chưa được mở rộng. Nhiều doanh nghiệp chịu tốn kém chi phí cho việc phân tích thành phần tro, xỉ để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật về một số loại điển hình như tro, xỉ, xỉ gang, xỉ thép để có  thể tái sử dụng các loại chất thải rắn này làm nguyên liệu sản xuất. Đây chính là cơ sở để tháo gỡ những bất cập về mặt pháp lý hiện nay, giúp thị trường tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp phát triển./.

Yên Thi