Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài
Thời sự - Ngày đăng : 11:10, 13/11/2019
Công nghệ số giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng tốt hơn
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo lên Big Bang ở lĩnh vực lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng hiện nay báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc đã bỏ cuộc. Hoặc chưa từng bắt đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa, là với Ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở.
“Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, nhưng không nghĩ rằng, công nghệ sẽ giúp cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn. Chuyển đổi số báo chí cũng cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, mà còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí, nhất là các Platforms dùng chung cho báo chí” - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn “Báo chí và công nghệ” |
Ông dẫn chứng: Một số công ty đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, Cty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí.
Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Viễn thông-CNTT Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.
“Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Công nghệ vì nội dung - báo chí sẽ làm chủ thế trận
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: Việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt ra, cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua.
Ông cho rằng: Đã có nhiều khó khăn, thách thức nhưng giờ đây chúng ta cũng đang đứng trước thời cơ vô cùng lớn nếu như các cơ quan báo chí chúng ta đồng lòng “tấn công” giành lại thế trận bằng tất cả các điểm mạnh sẵn có, kết hợp với học hỏi và ứng dụng.
Theo ông Lưu Đình Phúc, các nền tảng công nghệ đang cấu hình lại các thuật toán của họ để tôn trọng hơn người dùng, khi mà họ đang phải đối mặt với những cáo buộc, đe dọa pháp lý. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi công nghệ cho thấy không có dấu hiệu chậm lại.
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT phát biểu |
Ông đưa ra giải pháp: Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, những cách mới để khám phá những câu chuyện, cũng như những cách đóng gói và phân phối nội dung hiệu quả hơn. Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa – PV) cuối cùng sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình.
“Trong bối cảnh đó, báo chí sẽ cần phải rõ ràng hơn bao giờ hết khi đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức và về đối tượng bạn đọc mà báo chí đang phục vụ. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai” - ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
“Hiện nay, một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo sẽ rất phát triển trong tương lai gần là: Trí tuệ nhân tạo, Phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt bằng giọng nói, chatbot, internet vạn vật (IoT), tìm kiếm bằng hình ảnh và thực tế ảo mà các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu và cân nhắc trong việc ứng dụng theo tình hình thực tế” - ông Lưu Đình Phúc cho biết thêm.
Quang cảnh diễn đàn |
Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” được thực hiện giữa Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.
Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo, các chuyên gia trên cả nước với nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đây cũng là hoạt động đầu tiên khởi đầu cho Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”.