Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn: Lựa chọn công nghệ phù hợp

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 13:08, 12/11/2019

(TN&MT) - Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, có công nghệ chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Công nghệ hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp.

Nhận diện các công nghệ

Theo Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Văn Thức, lựa chọn công nghệ cần căn cứ vào tiêu chí lựa chọn công nghệ và phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường thực tế của từng địa phương.

Cụ thể, phương pháp chôn lấp chiếm diện tích lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém. Phương pháp này thích hợp với các loại chất thải rắn sinh hoạt trơ, không thể tái chế, tái sử dụng hay không xử lý được bằng các phương pháp khác. Tại Việt Nam, có thể áp dụng phương pháp này tại các địa phương có diện tích rộng, mật độ dân cư không lớn. Tuy vậy, khi đầu tư mới mô hình này cần đảm bảo được xây dựng theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (thứ 3 từ phải sang) khảo sát khu xử lý rác thải của Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường - Nam Định). Ảnh: HM

"Phải đi thẳng vào việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải rắn như đốt rác phát điện, trước mắt, áp dụng tại các thành phố lớn là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... Các địa phương cũng phải đặt mục tiêu giảm tỷ lệ rác chôn lấp theo lộ trình và quyết tâm thực hiện mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.

Đối với công nghệ compost, có giá thành đầu tư, xây dựng thấp nhưng đối mặt vấn đề về mùi và côn trùng trong quá trình lên men, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tỷ lệ chất thải còn lại cao, vì vậy, cần kết hợp với quá trình đốt.

Phương pháp đồng xử lý trong lò nung xi măng với bản chất là chất thải được thiêu hủy bằng nhiêt độ cao, có thể áp dụng tại các địa phương có cơ sở sản xuất xi măng và đồng thời, chưa có các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu hiện  nay. Lưu ý là cần đảm bảo chất lượng xi măng và một số loại chất thải không xử lý được bằng phương pháp này.

Công nghệ đốt không thu hồi năng lượng với ưu điểm là thời gian xử lý chất thải ngăn, tiết kiệm đất, song giá thành đầu tư lớn, chi phí vận hành bảo dưỡng, sửa chữa cao, vận hành phức tạp. Công nghệ này phù hợp với khu vực có khối lượng chất thải không lớn, quy mô cấp liên xã, cấp huyện. Đối với công nghệ này, vấn đề cốt lõi là cần vận hành đúng quy chuẩn, có biện pháp xử lý tro xỉ phát sinh, công suất tối thiểu 1 tấn/giờ, không được đầu tư các lò đốt quy mô nhỏ (<300 kg/giờ).

Công nghệ đốt thu hồi năng lượng được coi là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đây là công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao nhưng có nhiều ưu thế về xã hội và môi trường. Công nghệ này phù hợp với khu vực đô thị có lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn hơn 300 tấn/ngày. Trước mắt, chỉ tập trung tại các vùng kinh tế phát triển, các đô thị lớn với khối lượng chất thải phát sinh nhiều.

Ngoài ra, các công nghệ như quá trình vi sinh khô, metan hóa, các bon hóa, sản xuất viên nhiên liệu cần xem xét đầu tư kết hợp với các công nghệ khác mới hiệu quả.

Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: HM

Cần nhanh chóng chuyển đổi

Quan điểm của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN là chú trọng đến các công nghệ xử lý đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp. Đặc biệt, nhanh chóng chuyển đổi các phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp sang đốt thu hồi năng lượng, có hướng dẫn xử lý tro xỉ phát sinh phù hợp.

Trong thời gian tới, cần ưu tiên đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, nhất là các nhà máy áp dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến.


 

Tống Minh