Hoài Đức lên quận - BĐS chưa hết lận đận

Bất động sản - Ngày đăng : 11:37, 12/11/2019

(TN&MT) - Mười năm trước, thông tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội góp phần tạo nên cơn sốt đất ăn theo quy hoạch. Thời điểm này, thị trường bất động sản (BĐS) lại tiếp tục dậy sóng trước kỳ vọng một số huyện sẽ “đổi” đời khi lên quận.

Nhiều dự án BĐS mắc cạn

Năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, huyện Hoài Đức được giới đầu tư nhận định sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc bởi lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối với các trục giao thông hướng tâm lớn nhất như Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long...

Nhiều doanh nghiệp đã chớp cơ hội để “chạy” dự án. Thời điểm đó, để kịp chuyến tàu vét, có những dự án BĐS được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp “giấy khai sinh” trong vòng chỉ có vài ngày. Hậu quả, 10 năm qua, huyện Hoài Đức hiện có 51 dự án BĐS bị bỏ hoang và chìm trong tình trạng mãi không thể “lớn”.

Đình đám nhất dự án khu đô thị Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm rộng 38ha, được xem là đô thị hoàn chỉnh nhất khu vực. Dự án đã hoàn thiện được 8 năm nhưng hiện chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Nhiều căn biệt thự tiền tỷ nằm phơi nắng, phơi sương trông rất điêu tàn.

Cách đây nhiều năm, trên địa bàn huyện Hoài Đức khi có thông tin quy hoạch, giá đất các dự án như đô thị Nam An Khánh tăng chóng mặt, nhưng giá bán hiện giờ đã về mức thấp hơn 10 năm trước.

Dự án đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 140 ha nhưng 10 năm nay, chủ đầu tư mới chỉ xây dựng được 1 cái cổng chào to, 1 tuyến đường chính dự án và vài dãy nhà thô hiện đang bỏ hoang.

Năm 2009, dự án này được xem là có mức tăng trưởng nóng nhất huyện Hoài Đức. Giá  bán liền kề được đẩy lên mức 50 - 60 triệu/m2, Tuy vậy, khi thị trường BĐS Hà Nội sụp đổ, 10 năm nay, giá bán chỉ ở mức hơn 30 triệu đồng/m2, không thể thanh khoản.

Khu đô thị Dầu khí Đức Giang (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức) có diện tích khoảng 58 ha với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Được phê duyệt từ nhiều năm trước với mục tiêu xây dựng một khu đô thị hiện đại, có không gian sống lý tưởng… nhưng hiện tại, dự án vẫn là cánh đồng không….

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Công ty TNHH CBRE Hà Nội cho biết, khoảng 10 năm trước, khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, người dân rất hào hứng đầu tư, thị trường có những lúc “nổi sóng”, giá cao ngất ngưởng. Đơn cử, huyện Hoài Đức cách đây nhiều năm khi có thông tin quy hoạch, giá đất các dự án như đô thị Nam An Khánh tăng chóng mặt nhưng giá bán hiện giờ đã về mức thấp hơn cả 10 năm trước. Nguyên nhân do nhà đầu tư đã thổi giá lên quá cao so với kỳ vọng. Sau cơn sốt, giá trị của BĐS biến mất và thị trường đóng băng.

Hiện nay, hạ tầng đã phát triển hơn so với 10 năm trước nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa có nhiều tiện ích. Vì vậy, các nhà đầu tư chưa thể thoát được rủi ro.

Ảnh minh họa

BĐS Hoài Đức có “lột xác” thành công?

Hai năm trở lại đây, giao dịch BĐS tại huyện Hoài Đức liên tục có những biến động lớn. Giới đầu tư và “cò” đất tích cực hâm nóng lại các giao dịch bằng nhiều chiêu thức khác nhau như tung tin tăng giá, thực hiện các giao dịch ảo. Theo ghi nhận của PV, thực tế hoàn toàn ngược lại với những lời giới thiệu của cò đất.

Tại các văn phòng BĐS trên Quốc lộ 32, cửa ngõ huyện Hoài Đức rất vắng vẻ. Ông Nguyễn Minh Tùng (Giám đốc Sàn giao dịch nhà đất 24 giờ) cho biết, thông tin Hoài Đức lên quận khiến giá nhà đất tại khu vực này tăng nhẹ. Từ đầu năm 2019, nhiều nhà đầu tư đã đổ về Hoài Đức để hỏi thông tin, nắm cơ hội đầu tư nhưng chưa dám xuống tiền.

Khảo sát nhanh của PV cho thấy, tại khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, giá bán liền kề hiện 35 - 38 triệu đồng/m2; khu đô thị Lideco giá bán biệt thự xấp xỉ 40 triệu đồng/m2; khu đô thị Nam An Khánh, giá đất biệt thự hơn 30 triệu đồng/m2… nhưng thanh khoản rất chậm do lượng tiền bỏ ra quá lớn trong khi chưa khai thác được. Còn tại các dự án chưa triển khai hạ tầng, các lô đất biệt thự, liền kề không có thanh khoản do chưa đủ thủ tục pháp lý.

Đối với phân khúc đất thổ cư, tại thị trấn Trạm Trôi, giá đất thổ cư dao động 38 - 42 triệu đồng/m2; các lô đất mặt đường lớn, giá trên 120 triệu đồng/m2. Một số khu vực khác như Song Phương, Vân Côn… ghi nhận mức tăng giá đối với đất thổ cư. Chẳng hạn, tại Song Phương, đất ngõ hiện được chào bán phổ biến ở mức 16,5 - 17 triệu đồng, tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm.  Đất thổ cư tại thôn Thụy Ứng giá tầm 30 - 32 triệu đồng/m2, nhưng giá rao bán mới đây đã nhích lên 3 - 5 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho rằng, Hoài Đức cũng là khu vực được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối với các quận nội đô và các vùng lân cận. Tuy vậy, mức độ và khả năng tăng giá còn phụ thuộc vào rất nhiều các dịch vụ, hạ tầng xã hội cần thiết như trung tâm mua sắm, giải trí, bệnh viện, trường học… Khách mua cần phải cảnh giác trước chiêu bài thổi giá “mua tay trái, bán tay phải” của các cò đất.

Khung giá đất TP. Hà Nội và TP.HCM dự kiến tăng trên dưới 30%

Theo dự kiến, khung giá đất của hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức tăng mới khoảng trên dưới 30% trong giai đoạn 2020 - 2024. Việc này sẽ tác động trực tiếp đến giá nhà đất trong những năm tới.

Hà Nội đang tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vào Tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ 1/1/2020 đến 31/12/2024. Theo đó, UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường, góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Mức điều chỉnh giá đất tăng bình quân khoảng 30%, các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ được đề xuất điều chỉnh giá đất ở cao nhất từ 162 triệu đồng lên 210,6 triệu đồng. Giá đất ở đô thị thấp nhất được đề xuất là 4,536 triệu đồng/m2, thuộc địa bàn quận Hà Đông.

UBND TP.HCM cũng có Tờ trình gửi HĐND thành phố về việc ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018. Nghĩa là chính quyền sẽ tính toán lại giá đất, làm căn cứ để tăng thu tiền sử dụng đất trên khắp địa bàn.

Theo tính toán, liên Sở Tài chính - TN&MT TP.HCM đang đề xuất mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất theo từng khu vực từ nội thành đến ngoại thành vào khoảng 19 - 30%.

Bài và ảnh: Thùy Linh