Sáng 12/11 ô nhiễm không khí Hà Nội lên đến mức nguy hại
Môi trường - Ngày đăng : 11:36, 12/11/2019
Thủ đô Hà Nội đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí đến mức nguy hại (Ảnh minh họa) |
Vào 6h sáng nay, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 340, ngưỡng nâu theo các tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Với mức ô nhiễm này, khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả nhóm nhạy cảm là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều phải ở trong nhà.
Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng. Tại điểm đo ở Hàng Quạt, chỉ số AQI là 324 (ở ngưỡng nâu - nguy hại). Hầu hết các điểm đo của hệ thống này ở ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Lúc 6h25p, Hệ thống quan trắc không khí PAMAir báo nhiều điểm đo ở mức nâu, tím |
Lúc 9h sáng nay, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ báo chỉ số AQI ở mức 248, ngưỡng tím theo các tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng xấu theo cách tính AQI của Việt Nam. Còn hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng báo nhiều các điểm đo ở mức xấu (ngưỡng tím), cao nhất tại các khu vực Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hàng Quạt.
Đặc biệt, ô nhiễm không khí đã lan ra các tỉnh miền Bắc như Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình. Chất lượng không khí ở các tỉnh này hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.
Trao đổi với Phóng viên Báo TN&MT về hiện tượng này, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng nguy hiểm ông chưa thấy bao giờ, khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô đã lên đến mức tím, nâu và diễn biến cả ở tỉnh phía Bắc.
Theo ông Tùng, với tình trạng ô nhiễm không khí đến mức khốc liệt như thế này, cơ quan chức năng của các tỉnh phải trả lời được nguyên nhân tại sao, tìm nguồn nào gây ô nhiễm không khí và sự chuyển dịch của khối không khí để đưa ra cảnh báo cụ thể cho người dân.
“Chính quyền phải ngay có khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là đối tượng người già và trẻ em. Những biện pháp tức thời cần phải tính đến như lưu ý đến các trường học khi tổ chức các hoạt động cho học sinh, xem xét lại hoạt động sản xuất của các làng nghề, hạn chế lưu thông xe máy hay chấm dứt việc đốt rác”, ông Tùng đề nghị.