Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn: Để rác thực sự là tài nguyên
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 11:34, 12/11/2019
Quá tải, khó kiểm soát
Cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác, gồm 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, 904 bãi chôn lấp. Trong 904 bãi chôn lấp này, có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Vậy nhưng, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh lại không đồng bộ về hệ thống thu gom khí phát sinh, hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Chôn lấp vẫn là biện pháp chủ yếu được áp dụng tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh (70%), Đà Nẵng (>90%). Hiện, các bãi chôn lấp tại các thành phố này đang quá tải, có khả năng gây ô nhiễm môi trường và thường gặp phải sự phản đối của người dân.
Trong khi đó, với 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, chỉ có 294 lò đốt (chiếm khoảng 77%) có công suất trên 300kg/giờ, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều lò đốt, đặc biệt là lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về môi trường. Đáng nói, để đáp ứng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đầu tư cho mỗi xã một lò đốt cỡ nhỏ để xử lý chất thải rắn. Nhiều lò đốt không đảm bảo tiêu chuẩn, dẫn đến không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt đối với dioxin/furan.
Mặt khác, đối với 37 dây chuyền sản xuất phân compost, một số cơ sở đối diện với tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm. Nguyên nhân là do chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại triệt để dẫn đến sản phẩm phân compost còn chứa nhiều tạp chất, chủ yếu được dùng cho các cơ sở lâm nghiệp, cây công nghiệp, mà khoảng cách từ các cơ sở xử lý chất thải đến nơi tiêu thụ lại khá xa…
t6-1.jpg |
Ưu tiên nguồn lực xử lý
Ô nhiễm môi trường, không còn nơi chôn lấp rác, người dân chặn xe rác đưa về nơi xử lý là hiện trạng mà TP. Đà Nẵng gặp phải trong thời gian qua. Tiếp tục đưa vấn đề này tới chính quyền thành phố, tại Chương trình HĐND với cử tri lần 6 diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, cử tri mong mỏi TP. Đà Nẵng ưu tiên nguồn vốn để xây nhà máy xử lý rác thật hiện đại.
Trả lời cử tri, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: Từ chủ trương của lãnh đạo và ủng hộ của người dân, thành phố quyết định nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hiệp xử lý chất thải rắn. Trong khu liên hợp này, có 4 dự án, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn; nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn (trước đây của Công ty CP Môi trường Việt Nam); lò đốt rác y tế; nhà máy xử lý phân bùn bể phốt.
“Đối với nhà máy xử lý chất thải rắn 650 tấn, thành phố đã có chủ trương cho nâng cấp công nghệ, đang thực hiện các bước thẩm định công nghệ của Bộ TN&MT. Trên cơ sở thẩm định, Sở TN&MT Đà Nẵng sẽ chủ trì thẩm định đánh giá tác động môi trường. Sở và các ngành các cấp cam kết thực hiện đúng các quy trình của pháp luật, đặc biệt về vấn đề công nghệ. Về phía Công ty CP Môi trường Việt Nam cũng cam kết đảm bảo việc đầu tư, thống nhất với bộ tiêu chí mà thành phố đã đưa ra”, ông Tô Văn Hùng thông tin.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện có khoảng 71% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (khoảng 43.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (không bao gồm lượng bã thải và tro xỉ từ các cơ sở chế biến phân compost và các lò đốt); 16% tổng lượng chất thải (tương đương 9,5 nghìn tấn/ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost; 13% tổng lượng chất thải (tương đương 8.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt.
Về nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn, hiện Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục để triển khai kêu gọi các nhà đầu tư, với yêu cầu công nghệ xuất xứ từ châu Âu hoặc các nước tiên tiến.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, cũng định hướng hút nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác hiện đại như đốt rác phát điện, gần đây, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, như: miễn tiền thuê đất 11 năm, hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp tại Bình Chánh, Củ Chi; giá điện bán với dự án đốt phát điện là 10,5 Uscent/kWh. Những dự án xã hội hóa sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay; ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế doanh nghiệp…