Sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường: Tập trung vào những vấn đề cốt lõi mà thực tiễn đặt ra
Thời sự - Ngày đăng : 21:06, 11/11/2019
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 6/2020, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về hai bộ Luật quan trọng thuộc lĩnh vực TN&MT là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường.
Để việc sửa đổi hai bộ Luật này, Bộ TN&MT đã sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thi hành, xác định các vấn đề mới đã được ban hành trong các Nghị quyết của Đảng, những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để xác định các vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần phải sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn tới.
Xem xét kỹ những nội dung cốt lõi của Luật Đất đai
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về chính sách đất đai, hiện nay, Bộ TN&MT đang xem xét giải quyết 4 nội dung cốt lõi về chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch đất đai; vướng mắc xung quanh việc giải quyết phạm vi điều chỉnh và xung đột với các bộ Luật; quản lý đất đai thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Từ các nội dung chủ lực đó đi vào những chính sách cụ thể và đề xuất những vấn đề mang tính định hướng chính sách.
Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất và quy hoạch đất đai; vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai; đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước trong định giá để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong thu hồi đất.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai là bộ Luật mang tính chất nền tảng, liên quan đến nhiều bộ luật khác như: Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp..., nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng giải quyết vướng mắc xung quanh xung đột giữa các bộ Luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Luật phải đảm bảo thực hiện tốt dịch vụ công về đất đai để giải quyết thủ tục hành chính, phòng ngừa tham nhũng và tạo quản lý minh bạch.
Bộ T&MT xác định trách nhiệm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là xem xét tiếp cận thực tiễn những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó là những chủ trương mới, chính sách mới tiếp cận đất đai trong thời gian tới liên quan đến an ninh lương thực, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với thông lệ quốc tế
Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu phải thay đổi về chính sách. Nếu không cập nhật, không theo kịp thế giới sẽ mắc phải vấn đề liên quan đến cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật; đồng thời, Việt Nam có khả năng trở thành nơi đưa công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường vào lãnh thổ.
Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, so với 5 năm trước, các thành phần môi trường từ nước, không khí, chất thải rắn... đang vượt khả năng chịu tải của môi trường. Vấn đề môi trường đang đòi hỏi chúng ta phải có thay đổi mang tính cách mạng, đòi hỏi chính sách mới. Hơn nữa, giữa Luật Bảo vệ môi trường với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Luật liên quan đến thủy lợi, thủy sản... đang có những bất cập, xung đột.
Chính vì vậy, lĩnh vực môi trường có 3 nhiệm vụ cụ thể, trong đó, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chủ trương phát triển kinh tế dựa trên vấn đề cân bằng sinh thái, lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xác định môi trường tiên phong để dẫn dắt các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, định hình cho các mô hinh kinh tế trong nước.
Đồng thời, Việt Nam cần đưa các chính sách môi trường hài hòa với các chủ trương mà chúng ta cam kết. Việc đưa và nâng các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường chính là tạo ra sức đề kháng để ngăn cản các dòng vốn với các công nghệ sử dụng lãng phí, không hiệu quả, tốn năng lượng.
Bên cạnh đó, xem xét để thay đổi chính sách môi trường, thay đổi đánh giá và tư duy. Hiện nay, môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm, nhưng con người có quyền sống trong môi trường trong lành. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta không nâng các quy chuẩn môi trường, chính sách môi trường lên ngang bằng các nước phát triển.
Thống nhất sự cần thiết sửa đổi hai bộ Luật
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định: “Việc sửa một số điều của hai bộ Luật này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại, tương lai và mai sau của chúng ta”.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc phát biểu tham luận tại Hội nghị |
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng đồng tình với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong quá trình sửa đổi một số điều của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, nếu có nhiều vấn đề cấp thiết, định hướng và bắt kịp xu thế phát triển trong tương lai, có thể đề xuất với Quốc hội chuyển thành Luật sửa đổi năm 2020 (Môi trường và Đất đai).
Góp ý cho các bộ Luật, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, đối với Luật Đất đai, phải có chế tài cụ thể đối với những trường hợp có những công dân cố tình không hợp tác dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài như hiện nay, từ đó, không thể triển khai được các dự án phát triển kinh tế - xã hội đặt ra.
Còn Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đưa ra nhận định, việc sửa luật cần phải có những nghiên cứu cụ thể, có lộ trình để hai bộ Luật có thể bắt kịp với nền kinh tế thị trường hội nhập như hiện nay. Đại biểu Mão cũng chỉ ra, đối với Luật Đất đai, cần có quy hoạch sử dụng đất một cách tổng thể, toàn diện và có sự điều chỉnh ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, cần đúc kết những bài học thực tiễn trong thời gian qua, để đưa ra những kinh nghiệm, những pháp lý ràng buộc cụ thể trong thời gian tới.
Vấn đề chính sách giải phóng, đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng được Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị Bộ TN&MT lưu tâm để có được sự hài hòa quyền lợi giữa người dân, tổ chức chính quyền, doanh nghiệp… đó là những vấn đề thực sự nóng bỏng hiện nay về đất đai. Đồng thời, khẳng định, việc sửa đổi một số điều của hai bộ Luật này cần có sự đồng lòng của tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, Bộ TN&MT cần tổ chức thêm nhiều hội thảo hơn nữa để bổ sung những ý kiến đóng góp về xây dựng, phản biện nhằm hoàn thiện được hai bộ Luật.
Là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VCCI cho rằng, một trong những vấn đề hiện nay là sự chồng chéo, bất cập giữa hai bộ Luật này với các bộ luật khác.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, với những vướng mắc này và xu hướng mới về phát triển bền vững như hiện nay, cần phải sửa đổi toàn diện hai bộ Luật về môi trường và đất đai cũng như các bộ Luật khác đang vướng mắc hiện nay. Với chức năng của mình, VCCI sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp… để đóng góp và xây dựng cùng Bộ TN&MT.