Cháy rừng “thảm khốc” ở Úc, do đâu?
Thế giới - Ngày đăng : 11:27, 11/11/2019
Khói từ một đám cháy rừng lớn được nhìn thấy bên ngoài Wytaliba ở Glen Innes, Úc vào ngày 10/11/2019. Ảnh: AAP / Dan Peled |
Úc thúc giục người dân sơ tán trước hỏa hoạn
Giới chức trách đã khuyến cáo người dân ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao nhất sơ tán trước khi dự báo tình hình nóng và gió chưa từng xảy ra vào ngày 12/11 - điều mà các quan chức lo ngại sẽ khiến các đám cháy bùng phát.
3 người đã thiệt mạng và hơn 150 ngôi nhà bị phá hủy vào cuối tuần qua do các vụ cháy rừng ở phía Bắc New South Wales (NSW) và Queensland.
Các nhà lập pháp cho biết tình trạng khẩn cấp khiến lính cứu hỏa được huy động tối đa, sơ tán người dân, chặn đường và đóng cửa các dịch vụ có thể kéo dài trong 7 ngày.
Cháy rừng là một mối đe dọa phổ biến và gây chết người vào thời điểm mùa hè khô, nóng ở Úc nhưng sự bùng phát nghiêm trọng hiện nay, trước khi đạt đến đỉnh điểm mùa hè đã khiến nhiều người kinh ngạc.
“Hãy nâng cao cảnh giác bất kể bạn đang ở đâu và mọi người cần nhận thức rõ mối nguy hiểm của tình hình hiện nay”, nữ Thủ hiến bang NWS, Gladys Berejiklian trả lời các phóng viên ở Sydney, Úc.
Thành phố đông dân nhất Úc đã tránh được điều tồi tệ nhất trong cuối tuần qua nhưng các nhà chức trách đã nâng cao dự báo cho khu vực Sydney, có thể gặp nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc vào ngày 12/11. Đây là lần đầu tiên thành phố này gặp nguy cơ cao như vậy kể từ khi xếp hạng nguy hiểm hỏa hoạn được đưa ra hồi năm 2009.
Theo dự báo, nhiệt độ ở Sydney sẽ tăng vọt đến hơn 34 độ C vào ngày 12/11, kèm theo gió mạnh và thời tiết khô hanh.
Là “ngôi nhà” của hơn 5 triệu người, Sydney được bao quanh bởi những vùng đất rộng lớn, phần lớn vẫn còn khô hạn sau cơn mưa nhỏ trên khắp bờ biển phía Đông của đất nước trong những tháng gần đây.
Ông Shane Fitzsimmons, Chỉ huy Sở Cứu hoả Nông thôn (RFS) của bang NWS yêu cầu người dân sơ tán trước khi tình hình tồi tệ xảy ra và cảnh báo vụ cháy rừng mới có thể bắt đầu cách đám cháy hiện tại khoảng 20 km.
Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng ngay cả những ngôi nhà chống cháy cũng sẽ không thể chịu đựng được với điều kiện thảm khốc mà ông Fitzsimmons mô tả “khi cuộc sống kết thúc, đó sẽ là nơi người dân phải bỏ mạng”.
Fitzsimmons cho biết 400 lính cứu hỏa trên 50 xe tải từ bang láng giềng Victoria đang đến bang NSW để hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết 18 đám cháy trên toàn bang, trong đó có 2 đám cháy bị mất kiểm soát theo chính quyền.
Cuộc chiến về BĐKH
Hồi tháng 2/2009, vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Úc đã đạt kỷ lục thảm họa kinh hoàng với việc phá hủy hàng ngàn ngôi nhà ở Victoria, làm chết 173 người và 414 người bị thương chỉ trong một ngày mà giới truyền thông gọi là “Thứ Bảy đen tối”.
Tuy nhiên, các vụ cháy rừng hiện nay diễn ra vài tuần trước mùa hè ở Nam bán cầu, thu hút sự chú ý về các chính sách của chính phủ bảo thủ Úc trong việc giải quyết BĐKH.
Các nhà hoạt động môi trường và các nhà lập pháp đối lập đã kêu gọi Thủ tướng Úc Scott Morrison - một người ủng hộ ngành công nghiệp than - tăng cường các mục tiêu phát thải của đất nước.
Morrison từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu các đám cháy có liên quan đến BĐKH hay không khi ông đến thăm các khu vực bị hỏa hoạn ở phía Bắc của bang NSW vào cuối tuần qua.
Ngày 11/11, Phó Thủ tướng Úc, ông Michael McCormack cáo buộc các nhà hoạt động khí hậu đã “chính trị hóa” một thảm kịch.
Trả lời Đài phát thanh Australian Broadcasting Corp, Phó Thủ tướng McCormack cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là thực hiện hành động thực sự và có ý nghĩa để giảm lượng khí thải toàn cầu mà không đóng cửa tất cả các ngành công nghiệp trong nước”.