Nhà đầu tư thờ ơ với “lướt sóng” căn hộ chung cư
Bất động sản - Ngày đăng : 11:26, 11/11/2019
Nhà đầu tư ngại "lướt sóng" vì giá căn hộ tăng cao |
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, quý 3/2019, thị trường BĐS đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ so với quý 2 và cùng kỳ năm 2018. Theo đó, giao dịch BĐS thành công ở TP.HCM chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu thực, chỉ một số ít trong đó là từ các nhà đầu tư. Đáng chú ý, đầu tư lướt sóng kiếm lãi nhanh từ BĐS giảm mạnh và đầu tư kinh doanh BĐS nhỏ lẻ kém hiệu quả hơn so với giai đoạn trước.
Chị Lý - một nhà đầu tư thứ cấp tại TP HCM cho biết, giai đoạn 2013-2017 phân khúc chung cư là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư thứ cấp. Giai đoạn này, khách hàng có khi phải xếp hàng bốc thăm đặt cọc để mua căn hộ. Giá trị căn hộ sau đó sẽ tăng lên từng ngày, thanh khoản nhanh. Những người đầu tư “lướt sóng” giai đoạn này không cần bỏ quá nhiều vốn nhưng lợi nhuận thu lại rất nhanh nên đây là kênh đầu tư “hốt bạc”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng đầu năm 2018, thị trường có dấu hiệu chững lại thì “lướt sóng” chung cư cũng hết thời. Theo chị Lý, đầu cơ chung cư hiện đã không còn hấp dẫn khi chỉ lời được vài giá và nguy cơ đọng vốn rất cao. Hơn nữa, nguồn cung chung cư thời gian qua rất thấp nhưng giá lại cao, trong khi ngân hàng siết chặt tín dụng nên khi đầu tư rất khó ra hàng.
Lãnh đạo một công ty BĐS tại TP.HCM nhận định, thị trường càng ngày càng đi xuống, thậm chí quý 3 còn kém hơn quý 2. Nguyên nhân là do nguồn cung căn hộ gần như không có mới, nguồn cầu cũng bão hoà. “Phân khúc giảm nhiều nhất là chung cư. Đáng chú ý, trong khi nguồn cung mới không có nhiều nhưng lại neo giá rất cao. Hiện nay, để tìm chung cư giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 là rất khó”, vị này cho hay.
Thực tế, giá chung cư cao là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư thờ ơ “lướt sóng”, còn đối với khách hàng mua để ở thì phần lớn chỉ tìm chung cư đã đi vào sử dụng, rẻ hơn so với những chung cư mở bán mới. Khởi nguồn của hiện tượng này do nguồn cung không có nhiều nên chủ đầu tư không giảm giá, trong khi đó, dự án mở bán sau giá lúc nào cũng cao hơn dự án trước, nên nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn. Đơn cử, ở quận 2 mà bán với giá 70-80 triệu đồng/m2 thì rất khó thanh khoản, mà có thanh khoản được thì khó có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không cao.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho hay: Trong 2 năm gần đây, thị trường BĐS TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. Vì thế, các nhà đầu tư đã chuyển từ “lướt sóng” căn hộ chung cư sang đầu tư các loại hình BĐS khác.
Anh Thanh (ngụ quận 2, TP.HCM) từng “lướt sóng” khá thành công nhiều căn chung cư, gần đây cũng đã chuyển sang đầu tư đất nền tại tỉnh Long An và Bình Dương. Anh Thanh cho biết, ban đầu vì không am hiểu thị trường nên anh chọn những môi giới tin tưởng sau đó các môi giới này nắm tình hình và tìm các sản phẩm đầu tư cho anh. Tại những khu vực BĐS đang có xu hướng “nóng” lên, nếu lướt nhanh thì khoảng 2-3 tháng với một vài lô đất anh lãi từ 80-100 triệu đồng.
Theo các chuyên gia BĐS, xu hướng lướt sóng kiếm lời căn hộ chung cư tại TP.HCM ngày càng khó khăn, nhất là ở dòng sản phẩm căn hộ trung cấp giá từ 1,5-3 tỷ đồng. Những lời có cánh về việc bỏ vốn ít, kiếm lợi nhuận cao đã không còn đúng khi thị trường BĐS TP.HCM giảm nhiệt. Bất chấp thực tế nguồn cung mới hạn chế, lượng căn hộ đã và đang triển khai tại TP.HCM vẫn là con số không nhỏ, để tiêu thụ được lượng hàng thứ cấp vẫn là thách thức không nhỏ của nhà đầu tư.