Theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các "bản tin nhanh" về bão số 6
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:28, 10/11/2019
Dự cuộc họp có Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam Lê Thanh Hải; các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Cục Viễn thám Quốc gia, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước... cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương.
Tham dự cuộc họp trực tuyến từ các đầu cầu có các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và Đài KTTV các tỉnh: Bình Định, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại cuộc họp |
Tiếp tục phân tích về tình hình diễn biến, đường đi, hướng di chuyển, cường độ, vùng tác động của bão số 6... các chuyên gia dự báo thống nhất cho biết, hiện nay bão số 6 đã đạt cường độ mạnh nhất và đang có xu hướng suy yếu. Đến chiều tối và đêm nay (10/11), cường độ gió mạnh nhất, mưa đã xuất hiện và tăng dần.
Cụ thể, đến 19 giờ hôm nay (10/11), vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Hồng Phong đề nghị toàn bộ hệ thống dự báo từ trung ương đến các Đài KTTV khu vực, Đài tỉnh trực 100% từ thời điểm này |
Đến 07 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 13,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Theo các chuyên gia dự báo, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh.
Cũng theo các chuyên gia dự báo, từ chiều tối nay (10/11), trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.
Đường đi và vị trí cơn bão cập nhật tại bản tin lúc 9 giờ ngày 10/11 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Về tình hình mưa, các chuyên gia dự báo thống nhất cho rằng, do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to.
Đặc biệt, từ nay đến 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nam Phú Yên, Nam Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
“Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu”, các chuyên gia cảnh báo.
Với những phân tích về tình hình diễn biến bão số 6, ông Lê Thanh Hải - Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam đánh giá, các đơn vị dự báo đang kiểm soát khá tốt quá trình diễn biến cơn bão. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý các đơn vị dự báo cần cảnh giác với quy luật suy yếu của cơn bão là sẽ không suy yếu ngay mà có xu hướng thu hẹp.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến sáng 10/11 |
Đồng tình với những nhận định của Tổng thư ký Hội KTTV Việt Nam, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, hiện nay cơn bão đang đi vào thời kỳ suy yếu và không có khả năng giữ hoặc tăng cường độ nữa.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt cần lưu ý là tốc độ suy giảm của cường độ, tốc độ thu hẹp phạm vi của bão. Do vậy, các đơn vị dự báo cần theo dõi hết sức chặt chẽ để điều chỉnh trong các bản tin tiếp theo.
“Các bản tin dự báo cần bám sát tình hình và thay đổi, đặc biệt nếu có dấu hiệu mạnh hơn so với nhận định. Đề nghị các đơn vị dự báo ở trung ương và các Đài KTTV khu vực tiếp tục lưu ý những điểm tiếp theo của cơn bão này”, ông Cường yêu cầu.
Về công tác dự báo, ông Cường đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khi bão khẩn cấp gần bờ hơn, radar đã bắt được hoàn lưu và vùng mây phải bắt đầu thực hiện các bản tin nhanh về cơn bão xen kẽ vào các bản tin chính thức. Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh có thể chuyển trực tiếp bản tin nhanh của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia hoặc bổ sung thêm các thông tin, đảm bảo ngắn gọn.
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Hồng Phong đề nghị lãnh đạo Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đài KTTV các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa trực 100% từ thời điểm này cho đến khi cơn bão đi qua để có chỉ đạo sát sao, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.