Dừng tất cả các cuộc họp, khẩn trương ứng phó bão số 6
Thời sự - Ngày đăng : 20:55, 09/11/2019
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó bão số 6. |
Bảo vệ tính mạng nhân dân là quan trọng nhất
Đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó với bão số 6, lấy việc bảo vệ tính mạng của dân là quan trọng nhất; sơ tán ngay các hộ dân sống vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn, nỗ lực hoàn thành việc này trước 12 giờ ngày 10/11.
Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra các hồ đập, các công trình xung yếu và triển khai gia cố những điểm bị hư hỏng. Các địa phương hỗ trợ bao cát và huy động lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa.
UBND TP Quy Nhơn phải gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn trước khi bão đến.
Sở NN&PTNT và UBND TP Quy Nhơn nghiên cứu, đề xuất kinh phí hỗ trợ cho người dân sinh sống sát đoạn bờ kè nói trên. Từ ngày 9/11, tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ.
* Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản gửi Trưởng phòng Giáo dục các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc; Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 6.
Theo đó, học sinh, học viên được nghỉ học vào thứ 2 (ngày 11/11). Sau ngày 11/11, Hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông căn cứ vào tình hình mưa lũ sau bão và thực tế ở địa phương để quyết định thời gian đi học lại, đề phòng tai nạn xảy ra trên đường đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện.
Cùng với đó, Giám đốc Sở yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; triển khai việc thực hiện ngay phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng tránh lụt bão ở cơ sở, chú trọng việc gia cố công trình, đặc biệt là chằng chống tường bao, mái, cửa ra vào, cửa sổ các phòng học, tránh bị tốc mái, tung cửa khi bão đến;
Nghiêm túc thực hiện chế độ trực ban tại đơn vị 24/24 giờ để phòng, chống lụt bão và chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống lụt bão của đơn vị cho Sở và chính quyền địa phương nơi trường đóng. Nhất thiết phải có một đồng chí lãnh đạo có mặt cùng với cán bộ, giáo viên trực tại đơn vị; không tổ chức hội họp, các hoạt động ngoại khóa trong ngày 10 và 11/11.
Khánh Hòa cấm biển, cho học sinh nghỉ học
Để ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ngành, địa phương và đơn vị khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Trong đó tập trung liên lạc, thông báo, kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền. Tổ chức di chuyển, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Rà soát phương án sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở trên biển, trên đảo và tại khu vực xung yếu về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt…
Các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10-11/11; ngưng hoạt động cáp treo Vinpearl kể từ 18 giờ ngày 10-11/11.
Các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển bắt buộc phải bờ bờ trước 15 giờ ngày 10-11/11 cho đến khi hết bão.
* Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa và các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh, sinh viên toàn nghỉ học trong các ngày 10 và 11/11 để phòng tránh bão.
Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý lãnh đạo các đơn vị, trường học chỉ đạo giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm trong các ngày này.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó hiệu quả với cơn bão số 6 và mưa lớn trên diện rộng.
Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão; chỉ đạo, hướng dẫn che chắn, chằng chống, gia cố trụ sở, trường học; có kế hoạch di chuyển bàn, ghế, hồ sơ, tài liệu và trang thiết bị dạy học lên cao để tránh hư hỏng khi ngập lụt; đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Các đơn vị, trường học phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan đóng quân trên địa bàn và ban đại diện cha mẹ học sinh ứng phó mưa lũ do bão gây ra; thường xuyên nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở; không tụ tập bạn bè tắm sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm phòng tránh các tai nạn đáng tiếc.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của đơn vị luôn duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, phân công lãnh đạo thường trực 24/24 giờ tại đơn vị, trường học khi có bão, lũ xảy ra và thường xuyên báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tuỳ tình hình cụ thể, các đơn vị trường học chủ động cho học sinh nghỉ học hoặc có kế hoạch sơ tán học sinh ngay đến nơi trú ẩn an toàn.
Khi bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ sau bão, phải khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định việc giảng dạy và học tập và có kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ học (nếu có); chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình giáo viên, học sinh bị thiệt hại do bão lũ gây ra./.