Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Không chủ quan trước bão số 6
Trong nước - Ngày đăng : 13:22, 08/11/2019
Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai các Bộ, Ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp sáng 8/11. Ảnh: Hoàng Minh |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h sáng 8/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu với 243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh.
Trong đó, có 112 tàu với 2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm và hơn 123.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản với gần 10.000 lao động có thể chịu ảnh hưởng của bão.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Minh |
Đánh giá về cơn bão số 6, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, rất hiếm khi Việt Nam phải đối mặt với bão di chuyển từ Tây sang Đông rồi mới quay lại về phía đất liền. Nhiều khả năng bão sẽ đạt cường độ cực đại khi ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đạt cấp 12, giật cấp 14-15).
Khu vực ảnh hưởng của bão số 6 dự đoán là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Khi tiến vào đất liền, bão có thể gây sóng cao 7-8 m, khu vực gần bờ sóng có thể 4-5 m kết hợp với gió mạnh có thể gây ra nguy hiểm cho khu vực neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, bão kết hợp với triều cường có thể gây làm cho nước dâng đến 2 m.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia báo cáo về bão số 6 tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Minh |
Báo cáo tại cuộc họp, lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã chuẩn bị mọi phương án ứng phó như lực lượng túc trực, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, khắc phục bão số 5 và chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6,...
Báo cáo trực tuyến, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn, chỉ đạo khắc phục bão số 5 để chuẩn bị ứng phó bão số 6, quyết định cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11, nếu diễn biến bão số 6 phức tạp sẽ căn cứ điều kiện để ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số huyện.
Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Bình Định, do bị thiệt hại nặng nề nhất từ cơn bão số 5 nên tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương khắc phục và đang tập trung các giải pháp để ứng phó bão số 6 vì cơn bão này rất có thể đi vào trực tiếp tỉnh này.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt nhấn mạnh, bão số 6 sẽ gây gió to, sóng lớn với tầm ảnh hưởng rộng. Do đó, Bộ trường Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cần theo dõi sát tình hình bão, cập nhật liên tục, kịp thời thông tin cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Hoàng Minh |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả các đơn vị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kết hợp với các bộ, ngành phải chuẩn bị cho mọi tình huống. Đầu tiên là đảm bảo an toàn trên biển, đưa tàu ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đi đến nơi tránh trú an toàn. Các tỉnh, thành cần dựa vào tình hình thực tế để lựa chọn phương án cấm biển và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên biển.
Thứ hai, đảm bảo an toàn cho người ở khu vực ven biển, có thể cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết. Bên cạnh đó là bảo vệ các công trình như nhà cửa, khu vực kinh doanh, gia cố các khu vực đê, kè xung yếu.
"Các Bộ, Ngành, địa phương cần đặc biệt phải chú ý đến tình hình sau khi bão vào do đây là khu vực có độ dốc lớn nên kết hợp với mưa lớn rất có thể gây lũ quét, sạt lở, không để xảy ra tình trạng chủ quan trước bão số 6..." - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.