Vụ dân “điêu đứng” vì cấp đất sai thẩm quyền ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Chờ xin ý kiến Bộ TM&MT

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:23, 07/11/2019

(TN&MT) - Hàng chục hộ dân ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) không được quyền xây dựng nhà ở, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Do chưa có quy định nào để giải quyết nên cơ quan chức năng địa phương đang phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý.

Suốt thời gian dài, người dân xã Lộc An không được xây dựng nhà cửa hay cấp sổ đỏ dù có đất

Liên quan đến vụ việc “Dân điêu đứng vì cấp đất sai thẩm quyền ở Phú Lộc” mà Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, trao đổi với PV, ông Phan Văn Trọng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phú Lộc cho biết, đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng xử lý những lô đất hoang hóa, chưa có sổ đỏ vì chưa có quy định nào để giải quyết.

Theo ông Trọng, lý do huyện không thể tiến hành làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân là vì 76 lô đất được giao sai thẩm quyền, tức UBND xã Lộc An không đủ thẩm quyền để cấp đất mà phải UBND huyện. Bên cạnh đó, hiện hoàn toàn không có bất kỳ các văn bản nào thể hiện UBND xã Lộc An có giao đất, chỉ có biên lai tiền ủng hộ “Xây dựng quê hương”, nên không đủ pháp lý để cấp.

Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, qua các cuộc họp để tìm hướng khắc phục giữa UBND huyện và Sở TN&MT sẽ có hai trường hợp để xử lý các lô đất giao sai ở Lộc An. Trường hợp các lô đã có nhà ở sẽ căn cứ vào Khoản 3, Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 18 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT: Việc cấp giấy CNQSDĐ đối với trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 vẫn được xem xét, tùy từng trường hợp cụ thể và chỉ cấp đối với trường hợp đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Do đó, 21 hộ đã có làm nhà ở ổn định sẽ được áp dụng để tiến hành làm thủ tục cấp sổ.

“Riêng với 55 lô đất chưa làm nhà ở ổn định và còn hoang hóa, qua rà soát không nằm trong bất kỳ quy định nào trong Luật Đất đai 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tại cuộc họp giữa các cơ quan có liên quan vào cuối tháng 10/2019 vừa qua, các bên đã thống nhất báo cáo sự việc và xin ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý”, ông Trọng thông tin.

Trong khi đó, UBND huyện Phú Lộc cho rằng, việc giao đất ở Lộc An chủ yếu là do lãnh đạo xã qua các thời kỳ không thực hiện đúng các quy định hiện hành. Quan điểm xử lý của huyện như quy định tại Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP là sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật và sẽ không để người dân chịu thiệt...

Cơ quan chức năng huyện Phú Lộc đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các lô đất còn bỏ hoang

Như đã phản ánh, vào năm 2001, UBND xã Lộc An có tờ trình xin ý kiến của UBND huyện Phú Lộc về quy hoạch các khu xen ghép trên địa bàn xã để cấp cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ, giáo viên và một số hộ chưa có nhà ở. Đến năm 2007, xã Lộc An tiếp tục phối hợp với Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện quy hoạch thêm một số khu dân cư mới. Tất cả 76 lô đất nằm ở khu vực Cồn Soi, Lạch Thủy, Rột Đình, Rột Ông Nghị, Cồn Sim và Cửa Miếu thuộc xã Lộc An, được xã giao cho người dân trong hai đợt, trước và sau ngày 1/7/2004.

Giai đoạn trước 1/7/2004, có 16 lô đất được giao, đến nay có 14 lô đã xây nhà ổn định, còn 2 lô chưa xây. Qua kiểm tra, việc giao đất thời điểm này không có hồ sơ lưu trữ việc UBND xã Lộc An giao đất, các chủ được giao không có giấy tờ giao đất mà chỉ có biên lai thu tiền “Xây dựng quê hương” do xã lập với số tiền ủng hộ là 3 triệu đồng/lô.

Riêng việc giao đất sau 1/7/2004 có tổng cộng 60 lô, trong đó 7 lô đã xây dựng nhà ở, còn 53 lô còn để hoang hóa. Việc giao đất giai đoạn này cũng theo hình thức ủng hộ “Xây dựng quê hương” từ 3- 10 triệu đồng/lô, chứ không có bất kỳ văn bản giao đất hoặc giấy xác nhận giao đất của xã.

Theo người dân, chính quyền để nguyên trạng ban đầu là đất ruộng bỏ hoang, ao bèo rồi phân lô cho dân. Họ cũng không nhận được quyết định giao đất từ chính quyền mà chỉ có 1 thông báo nộp tiền và 1 biên lai thu tiền của bộ phận kế toán xã Lộc An. Người dân về mặt lý thuyết là chủ sở hữu thửa đất nhưng thực tế họ lại không thể sử dụng.

Anh Lê Trọng Quốc (SN 1975, xã Lộc An) chia sẻ, vợ chồng anh được cấp vì trước đây anh là cán bộ hợp đồng của y tế xã. Để được cấp đất thì anh đã đóng hơn 6 triệu đồng, bao gồm tiền “Xây dựng quê hương” và một số khoản thu liên quan khác .Sau khi nộp tiền, vợ chồng anh được xã phân cho 1 thửa đất số 289, tờ bản đồ 69, vùng Cửa Miếu.

“Kể từ ngày nhận được thông báo trên, gia đình tôi vẫn chưa nhận được sổ đỏ và khi có ý định xây nhà trên thửa đất này vào năm ngoái thì chính quyền không cho phép xây vì đất không sổ. Tôi phải đưa vợ và 2 con nhỏ sang xã Lộc Điền bên cạnh thuê 1 căn nhà ở tạm. Giờ gia đình tôi con đã lớn cần có nhà ở để tiện sinh hoạt chứ ở trọ hơn 10 năm nay quá cực...”, anh Quốc lo âu.

Liên quan đến sự việc, Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc và các cơ quan chức năng liên quan rà soát quy hoạch, các quy định của nhà nước để xem xét, giải quyết vụ việc theo hướng đảm bảo quyền lợi cho dân. “Tuy nhiên vụ việc xảy ra đã lâu nên đòi hỏi phải có thời gian xử lý. UBND tỉnh sẽ thông tin kết quả sau khi có hướng xử lý cuối cùng...”, bà Trâm nói.

Văn Dinh