Miền Trung - Tây Nguyên lo ngại chất lượng nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:57, 07/11/2019
Nước thải vẫn âm ỉ xả ra dòng Vu Gia
Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là nguồn nước cung cấp quan trọng nhất cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Hiện, lưu vực này đang phải gánh chịu áp lực lớn từ sự phát triển thiếu bền vững, tác động xấu đến chất lượng nước.
Tại tỉnh Quảng Nam, trong số 20 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, có 8 nhà máy lớn nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Chính việc phát triển thủy điện và biến đổi khí hậu đã tạo nên sự thay đổi dòng chảy, phá hủy hệ sinh thái, sinh cảnh của khu vực thượng và trung lưu vực sông, giảm phần lớn lượng phù sa và dinh dưỡng đưa xuống hạ lưu, làm mất cân bằng sinh thái và động lực dòng sông và vùng cửa sông. Từ năm 2010 đến nay, hạ lưu sông Thu Bồn luôn trong tình trạng thiếu nước vào mùa cạn, đỉnh điểm mới đây nhất là giữa tháng 8/2019, đô thị Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp nước cho hạ lưu đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm khi mà hàng ngày nước thải từ các bãi khai thác vàng ở Quảng Nam đang âm ỉ đổ thẳng ra sông Vu Gia - Thu Bồn.
Từ năm 2016, Quảng Nam và Đà Nẵng đã thành lập Ban điều phối chung nhằm trao đổi thông tin và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, giải quyết những khó khăn sử dụng tài nguyên nước ở lưu vực sông. Hiện nay, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đồng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, sớm triển khai đề án đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để làm cơ sở quyết định cho phép các dự án đầu tư có hoạt động xả thải vào sông.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, để quản lý khu vực lấy nước phục vụ cho các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định 4121-QĐ/UBND, ngày 16/9/2019 liên quan đến việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình được cấp phép khai thác sử dụng nước sinh hoạt, phục vụ cho việc cung cấp nước sạch cho TP. Đà Nẵng. Sau khi có quyết định trên, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phối hợp với các địa phương thực hiện việc cắm mốc, xác định rõ vùng được đưa vào bảo hộ.
Đồng thời, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố làm việc với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp đánh giá tác động môi trường của những mỏ khai thác vàng được cấp phép.
“Ngoài ra, Sở TN&MT đã báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Ban Điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có những giải pháp xung quanh lo ngại nguồn nước ô nhiễm. Công ty Dawaco cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam thực hiện lấy mẫu nước, triển khai quan trắc nguồn nước tại đầu nguồn sông Vu Gia và Đắk Mi để đánh giá mức độ ô nhiễm. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân”- ông Hùng khẳng định.
Công ty Dawaco thực hiện lấy mẫu nước, đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước tại đầu nguồn |
Cạn kiệt nguồn nước sông Ba
Sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng, được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, chảy qua địa phận 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên. Sông Ba dài 388km, lưu vực rộng tới 13.900km2, là một trong 9 hệ thống sông chính ở nước ta và là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung - Tây Nguyên.
Tuy vậy, năm 2011, khi thủy điện An Khê - Ka Nak bắt đầu chặn dòng sông Ba để lấy nước, cộng với việc xây dựng thêm một số công trình thủy điện khác và hoạt động khai thác khoáng sản đã khiến nguồn nước của sông Ba dần cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Thêm vào đó, hàng loạt các nhà máy chế biến mì, đường, gỗ nằm ven sông Ba bắt đầu đi vào hoạt động. Việc xả nước thải của các nhà máy này ra sông Ba cũng là một trong những tác nhân chính khiến vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở sông Ba trở nên trầm trọng.
Những năm gần đây, sông Ba bắt đầu bị biến đổi dòng chảy nghiêm trọng, gây sạt lở hai bên bờ sông tại địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa (Gia Lai), cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp, hoa màu và tài sản của người dân trong khu vực. Nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm cùng với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán đã khiến hàng chục ha cây trồng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Phú Yên bị thất thu vì thiếu nước tưới. Hàng chục nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước không đảm bảo.
Để ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước sông Ba, chính quyền các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện các giải pháp để bảo vệ nguồn nước. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở, nhà máy đang hoạt động trên lưu vực sông Ba, không để xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý, không đảm bảo quy chuẩn quy định ra môi trường.
Các địa phương đã đầu tư hệ thống quan trắc nước tự động trên sông Ba, ngay tại các điểm xả nguồn thải của các nhà máy chế biến, để giám sát thường xuyên chất lượng nước tại đây, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có sự cố bất thường, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước trên sông Ba…
Theo kết quả quan trắc của Bộ TN&MT vừa công bố về chất lượng nước sông Vu Gia - Thu Bồn cho thấy, nước hai sông này bị ô nhiễm do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng với giá trị thông số BOD5 và thông số Amoni cao vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT; thông số chất thải rắn lơ lửng (TSS) thường ở mức cao vượt quy chuẩn tại hầu hết điểm quan trắc. |