“Đại hồng thủy” trong ký ức những người làm dự báo

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:46, 07/11/2019

(TN&MT) - Ngày này 20 năm trước, miền Trung đang lũ - Người đo lũ, chống lũ trước thử thách thiên nhiên.

Ngược dòng thời gian, những ngày đầu tháng 11/1999, các tỉnh miền Trung Việt Nam chìm trong biển nước. Đó là trận “đại hồng thủy” cướp đi hàng trăm sinh mạng, nhấn chìm hang vạn ngôi nhà, không thể quên với những cán bộ khí tượng thủy văn miền Trung khi ấy khi lật lại dữ liệu lịch sử về những ngày tang thương này. 

Quyết định lịch sử của người chống lũ

Tháng 11/1999, khi mưa lũ dồn dập đổ xuống miền Trung. Đại thủy nông Phú Ninh, một công trình có dung tích hồ chứa hơn 300 triệu mét khối nước nằm cách TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày nay khoảng 8km, cũng nằm trong diện an nguy khi nước dâng cao đe dọa đến tính mạng của hàng nghìn người dân nằm trong vùng ảnh hưởng.

Trước tình thế đó, một quyết định lịch sử của người đứng đầu tỉnh Quảng Nam khi ấy là ông Lê Trí Tập, Chủ tịch tỉnh năm 1999 đến giờ còn nguyên trong tâm trí những người làm công tác phòng chống thiên tai khu vực miền Trung. Ông Văn Phú Chính nguyên là Giám đốc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, đơn vị trực tiếp quản lý vận hành Hồ Phú Ninh năm 1999 cho biết: "Khi mưa lớn dồn dập đổ về Hồ chứa Phú Ninh, các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương và Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã liên tục có các cuộc họp ứng phó. Phương án và kế hoạch phá đập phụ nhằm đảm bảo an toàn công trình đã được chuẩn bị, nhưng việc phá đập phụ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho vùng hạ du và đã được thảo luận kỹ càng".

Trạm Thủy văn Kim Long, Thừa Thiên -  Huế

Nhờ nắm bắt được nhận định xu thế mưa lũ từ Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và thông tin từ trạm đo mưa Xuân Bình trên lưu vực hồ, kết hợp với kinh nghiệm của người đã từng thiết kế công trình thủy lợi và có sự gắn bó sâu sát với địa bàn tỉnh Quảng Nam, Ông Tập đã quyết định chưa triển khai phương án phá đập phụ mà gấp rút thực hiện phương án nâng cao trình mặt đập nhằm bảo vệ công trình và đảm bảo sự an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân thị xã Tam Kỳ và các huyện ở Bắc Quảng Nam.

Cuộc chiến thầm lặng…

Hai mươi năm trước, khi đó, công nghệ dự báo KTTV và mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia hầu hết là mạng lưới trạm thủ công truyền thống. Mỗi trạm khí tượng đều có đầy đủ các thiết bị kỹ thuật cơ bản và các dụng cụ chuyên ngành, trong đó, có máy khí áp kế là một loại thiết bị quan trọng nhất của các trạm khí tượng trên toàn thế giới. Thiết bị này đòi hỏi sự chính xác cao nhất và phải định vị để đảm bảo sự chính xác số liệu quan trắc khí tượng. Trong phút giây nguy nan của trận lũ lịch sử tràn vào Trạm Khí tượng Huế đe dọa cuốn trôi thiết bị, chị Lưu Thị Thủy và chị Hoàng Bích Sâm đã thực hiện một quyết định rất đặc là nâng cao vị trí đặt Khí áp kế lên cao nhất có thể nhằm bảo vệ an toàn thiết bị và bảo quản biểu bảng số liệu quan trắc của Trạm. Hai chị đã tự phân chia vị trí quan trắc để đảm bảo một người đọc số liệu ngoài hiện trường và một người ghi các chỉ số.

Trong đợt mưa lũ lịch ấy, địa bàn Thừa Thiên - Huế cũng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ nên gió mạnh, làm đứt dây ăng ten truyền số liệu vô tuyến, chị Thủy đã phải tự leo cột để sửa chữa ăng ten phục vụ phát báo số liệu góp phần ghi lại các giá trị lịch sử tại điểm Trạm Khí tượng Huế năm ấy.

Rada thời tiết Quy Nhơn

Cách đó không xa tại Trạm Thủy văn Kim Long, hai nữ quan trắc viên của trạm đã dũng cảm vượt dòng nước lũ suốt hơn một ngày để đo những chuỗi số liệu và nắm bắt được đỉnh lũ lịch sử trên sông Hương. Năm ấy, đỉnh lũ là 2,81m, cao hơn mức nước lũ lịch sử cao nhất đo được trước đó tới 1,06m.

Để có những thông tin quý giá giúp sức cho người ra quyết định phòng chống thiên tai, Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và Đài KTTV tỉnh Quảng Nam đã tăng cường quan trắc nước về hồ theo chế độ 24/24 giờ và điện báo trực tiếp về Trung ương để ra bản tin dự báo cho khu vực và tỉnh. Đặc biệt thời điểm ấy Tổng cục KTTV cũng vừa lắp đặt hệ thống rada mới nhất cho Trạm Rada Tam Kỳ, một công trình quan trắc trên cao hiện đại nhất Việt Nam lúc đó. Kỹ sư Thân Đức Thác người phụ trách đầu tiên của Trạm Ra đa Tam Kỳ cho biết, với sự trợ giúp của các chuyên gia từ Đài Khí tượng Cao không Trung ương, các cán bộ của Trạm Ra đa thời tiết Tam Kỳ khi ấy đã cùng học hỏi để thực hiện quan trắc liên tục độ phản hồi của mây, tính toán độ dày mây và ước tính khả năng gây mưa để hỗ trợ kịp thời việc ra bản tin thời tiết trong những tình huống khẩn cấp.

Trọng trách trên vai người làm KTTV

Những ngày đầu tháng 11/2019, khi bão số 5 vừa đi qua, tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp KTTV, một tinh thần cảnh giác cao độ đang được đặt ra. Cả hệ thống dự báo 3 cấp từ Trung ương, Đài Khu vực, Đài tỉnh đến các trạm quan trắc ngày đêm đảm bảo ca kíp và các “obs” quan trắc nhằm bám sát mọi diễn biến xấu nhất của thời tiết.

Thông tin phát đi từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ cuối tháng 10  cho biết: “Dải hội tụ nhiệt đới trên biển, tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới/bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra gió mạnh, mưa lớn và lũ trên biển và trên đất liền các tỉnh miền Trung từ ngày 30/10 cho đến những ngày đầu tháng 11/2019. Mọi tình huống đang được đặt ra để sẵn sàng ứng phó khi có hình thế thời tiết nguy hiểm như năm 1999.

Những thông tin này đã đánh thức cả hệ thống phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương. Những công điện khẩn đã được Ban Chỉ đạo PCTT phát ra và được thực thi tới từng cấp chính quyền ở huyện, thị, phường xã và người dân. 

Quan trắc viên Trạm Rada thời tiết Tam Kỳ, Đài KTTV Trung Trung Bộ thảo luận về độ phản hồi vô trong đợt mưa do dải hội tụ nhiệt đới ngày 5/11/2019

Hiện nay, mạng lưới quan trắc quốc gia có gần 200 trạm khí tượng bề mặt, trên 350 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, 5 trạm vô tuyến thám không, 10 trạm rada thời tiết và gần 1300 điểm đo mưa tự động phát triển từ hệ thống đo mưa nhân dân.

Với sự đột phá về kỹ thuật và công nghệ hàng đầu trên thế giới được đầu tư nghiên cứu và áp dụng; KTTV Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận là Trung tâm Dự báo ở khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm và về lũ quét. Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Ngày nay, công nghệ dự báo KTTV đã được nâng cao với độ chính xác, độ tin cậy cao. Độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Dự báo, cảnh báo mưa lớn sạt lở đất đã được nghiên cứu áp dụng thử nghiệm trên ô lưới 5x5km để ra được bản tin định lượng mưa và bản đồ cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất. Bản tin dự báo mưa được thực hiện: trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông: mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2 - 3 giờ.

Thiên nhiên khốc liệt hơn

Ở thời điểm hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển nóng của nền kinh tế đã gây tác động xấu đến thiên nhiên đặc biệt là các điều kiện tự nhiên thay đổi. Hệ thống sông ngòi không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi rất nhiều các yếu tố khác như: sự suy giảm thảm thực vật do rừng đầu nguồn bị chặt phá. Địa hình, địa vật trên hệ thống sông suối đã thay đổi rất nhiều do hoạt động sản xuất điện năng và sự phát triển của hàng nghìn công trình thủy điện, thủy lợi.

Các tỉnh miền Trung vừa chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn do cơn bão số 5. Nguy cơ hiện hữu về cơn bão số 6 với gió mạnh, nước dâng kèm theo một lượng mưa không hề nhỏ sẽ là những hiểm nguy đang trực chờ. Do đó, sự chủ động thông tin và chủ động phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại là điều cần thiết của cả hệ thống. Những dữ liệu mà người làm công tác khí tượng thủy văn đang ngày đêm ghi lại sẽ là những chỉ số quan trọng trong các bản tin dự báo cảnh báo thiên tai KTTV, đó chính là những thông tin quan trọng để chúng ta đưa ra các phương án ứng phó thích hợp nhất, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất trước những biến động của thời tiết cực đoan.

Miền Trung tháng 11/1999, ghi nhận hàng loạt chuỗi số liệu mưa lũ lớn bất thường mà trong đời người quan trắc khí tượng thủy văn mới có một gặp phải. Tại  Huế trong 6 ngày mưa 2.288mm (gần bằng lượng mưa trung bình cả năm là 2.772mm). Kỷ lục mưa mưa trong 24 giờ chưa từng xảy ra, không chỉ ở Việt Nam, mà còn hiếm gặp trên thế giới với trên 800mm ngày 2/11 và gần 1.000mm trong ngày 3/11. Tại các địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Trị tổng lượng mưa trong 6 ngày đều trên 1.000mm ở hầu khắp cả tỉnh.

 

Hải Ngọc - Khải Minh