Xây dựng thể chế, chính sách: Giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:46, 07/11/2019
Xây dựng hàng nghìn văn bản pháp luật
Bộ TN&MT được thành lập năm 2002 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị quản lý Nhà nước về các lĩnh vực địa chính, nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ… Sau này, Chính phủ giao thêm việc quản lý tài nguyên các lĩnh vực biển đảo, biến đổi khí hậu, viễn thám.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, đến nay, 7/9 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT đã có luật điều chỉnh. Đây là cơ sở và hành lang pháp lý quan trọng để ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về TN&MT bằng pháp luật.
Trong hội nghị triển khai công tác từ đầu năm 2019, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp, ngành TN&MT cần bứt phá hơn nữa để thể hiện tầm nhìn rộng mở và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Bứt phá đầu tiên phải đi từ thể chế, chính sách. Bởi đây là khâu quan trọng nhất để tháo gỡ rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực… đưa nước ta hội nhập và phát triển.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, trong năm 2019 và năm 2020, trọng tâm quan trọng trong xây dựng văn bản pháp luật là xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Đây là 2 đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Ngoài ra, các đạo luật khác như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước cũng đang được tổng kết, rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước.Thực hiện chỉ đạo này, Bộ TN&MT đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2019 và những năm tiếp theo là tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thời gian qua, Vụ Pháp chế đã chủ động rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật còn bất cập trong lĩnh vực TN&MT và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp luật. Trong năm 2019, Vụ Pháp chế cũng đã chủ trì xây dựng Thông tư sửa đổi và bãi bỏ một số Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành, liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT để giải quyết các khó khăn của ngành.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về 9 lĩnh vực TN&MT liên tục được đẩy mạnh. Ảnh: MH |
Chuyển biến tích cực
Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, việc triển khai, thi hành luật tới các địa phương có ý nghĩa quyết định hiệu quả của các văn bản luật.
Theo Vụ Pháp chế, việc phổ biến, triển khai pháp luật về TN&MT tới các địa phương, công đồng, doanh nghiệp đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên, từ đó, hạn chế các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Tình hình chấp hành pháp luật về TN&MT của các tổ chức, cá nhân đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về TN&MT. Các Sở TN&MT đã tích cực, chủ động triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực TN&MT, nhất là các quy định mới, đã tham mưu cho HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động quản lý đúng quy định của pháp luật, kịp thời thanh tra, xử lý các vi phạm trên địa bàn.
Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành luật. Đó là thu thập xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT; điều tra, khảo sát thực tế tình hình thi hành pháp luật đối với một số tổ chức, cá nhân để nắm thông tin về việc thực hiện pháp luật về TN&MT.
Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ tiến hành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về TN&MT, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT tại địa phương, trọng tâm là các lĩnh vực: đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu…
Việc thu thập thông tin, khảo sát tình hình thực thi pháp luật cũng như các cuộc thanh kiểm tra là cơ hội để Bộ TN&MT nắm bắt tình hình thực tế, các ý kiến phản biện để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về TN&MT.
Gần 20 năm qua, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về 9 lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT liên tục được đẩy mạnh. Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng được 12 Luật và gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật liên tục được nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp thực tế và hội nhập với quốc tế.