Tập trung theo sát diễn biến, dự báo thường xuyên, liên tục về bão số 6
Môi trường - Ngày đăng : 21:58, 06/11/2019
Dự cuộc họp có nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải; các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng;
Dự giao ban trực tuyến có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Viễn thám Quốc gia, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước... cùng các chuyên gia Hội KTTV cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương.
Cuộc họp còn có sự tham dự trực tuyến từ các đầu cầu của các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đài KTTV các tỉnh: Lâm Đồng, Đắc Nông, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Kon Tum.
PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Nhận định tình hình diễn biến bão số 6, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, có thể thấy trong 24 giờ qua đây là cơn bão phức tạp với đường đi khá dị thường và có thể thay đổi. Cường độ cơn bão có xu thế gia tăng, mạnh nhất trong ngày mai và ngày kia, có thể lên đến cấp 11-12, giật cấp 13-14, kết hợp với không khí lạnh dồn nén khiến bão tăng cấp.
Ông Khiêm đánh giá, sau 48 giờ, các mô hình dự báo tương đối phân tán về cả hướng đi và cường độ. Do ảnh hưởng của xâm nhập lạnh, sau 48-72h trở đi, khi vào trong đất liền bão có khả năng giảm cấp.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia báo cáo diễn biến bão số 6 tại cuộc họp |
“Tuy nhiên, không loại trừ khả năng xấu vẫn có thể xảy ra là bão sẽ giữ nguyên cường độ khi đổ bộ vào đất liền. Cảnh báo xa tập trung vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ (Ninh Thuận đến Quảng Ngãi), song vẫn có thay đổi tùy thuộc vào cường độ cơn bão. Vùng tác động của bão số 6 không loại trừ kéo xuống tới khu vực Đông Nam Bộ”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.
Do vậy, các đơn vị dự báo phải sẵn sàng công tác dự báo khi tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, cập nhật thông tin dự báo thường xuyên và chính xác, không chủ quan trước những thay đổi. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong theo dõi, cung cấp thông tin dự báo.
Hướng di chuyển của bão số 6 cập nhật tại bản tin lúc 21h của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Trước tình hình diễn biến của bão số 6, PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đánh giá cao Trung tâm Dự báo KTTV đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tổng cục từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp. Đặc biệt, sản phẩm dự báo đã có thể tích hợp được chất lượng dự báo của ứng dụng các công cụ khác nhau từ dữ liệu đến hệ thống quan trắc để đưa ra bản tin dự báo.
Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, qua thảo luận, sự phân tán của các mô hình dự báo uy tín trên thế giới cho thấy, cơn bão này hết sức phức tạp, chưa định hình được đường đi của bão nên công tác dự báo rất khó khăn.
“Hiện nay, dự báo của các trung tâm lớn trên thế giới chưa ổn định, còn nhiều thay đổi. Trong ngày hôm qua và hôm nay, dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Trung tâm Dự báo hạn vừa Châu Âu mặc dù có cùng thống nhất về khả năng thay đổi hướng Tây và di chuyển vào Việt Nam trong 24 giờ tới; tuy nhiên, dự báo cường độ có sự thay đổi liên tục giữa các phiên dự báo” - Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái phân tích.
Toàn cảnh cuộc họp tại đầu cầu Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT. |
Do vậy, ông Trần Hồng Thái đề nghị các cơ quan dự báo từ trung ương đến địa phương tập trung theo sát diễn biến tình hình cơn bão và đưa ra các nhận định phù hợp nhất phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, đánh giá vùng nguy hiểm trọng tâm là ở ngoài biển, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu trong bản tin sẽ đưa ra đề nghị “cấm biển” ở những thời điểm phù hợp cũng như các khu vực cấm.
Ngoài ra, Tổng cục trưởng cũng đề nghị các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đài KTTV các tỉnh bão độ và chịu ảnh hưởng kiểm tra trang thiết bị, rà soát lại chất lượng mạng lưới radar để đảm bảo cho công tác dự báo.
“Các đơn vị cần nghiên cứu từng thời điểm, khu vực bão đổ bộ, tính toán để đưa ra bản tin dự báo đồng thời cũng cảnh báo được những tác động. Dự báo rủi ro phải ngày càng sát hơn, chi tiết hơn. Đăc biệt, tôi mong rằng các đơn vị phải từng bước hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp trong công tác dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng chống thiên tai” - PGS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.