Nhiều đại biểu quan tâm tới biến đổi khí hậu trong lĩnh vực Nông nghiệp

Thời sự - Ngày đăng : 14:32, 06/11/2019

(TN&MT) - Sáng 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn đầu tiên trong 3 ngày Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ. Bên cạnh câu hỏi chất vấn bộ trưởng về các lĩnh vực ngành, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm tới nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Trong báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông báo, kết quả xây dựng nông thôn mới, đến tháng 10/ 2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020).

Tuy nhiên, trước nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới do đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quảng Bình) đưa ra, cụ thể là biến đổi khí hậu của Việt Nam nhiều thay đổi, nguy cơ sạt lở đê điều, vậy Bộ NN-PTNT có giải pháp gì?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam chúng ta là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất, tần suất 3 năm qua cho thấy thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tần suất mạnh hơn thế và tất cả các vùng miền trong đó có miền Trung là một nơi chịu đựng nhiều nhất. Chính vì thế, trong chương trình chỉ đạo chung của chúng ta bao giờ cũng xác định đi đôi phát triển với các nhóm giải pháp bền vững, nâng cao năng lực của cộng đồng, nâng cao phương châm 4 tại chỗ. Vừa qua chúng ta cũng đã dành một nguồn lực trong hoàn cảnh khó khăn nhất định để tập trung đầu tư. 

Tuy nhiên, phải nói rằng với một quy mô kinh tế lớn như hiện nay so với trước với một mật độ dân số đông như hiện nay, còn hơn 20 triệu người sống ở miền núi với độ cao, độ dốc và chịu tác động tổn thương lớn như thế này. 

Đây quả là một vấn đề. 3 năm gần đây tỷ lệ thiệt hại đối với vùng miền núi sạt lở, lũ ống, lũ quét đang trở thành một trong những hiện tượng dị thường mà thiệt hại nặng nhất. Đây là vấn đề chúng ta đang tập trung cùng với các địa phương tổ chức các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. 

Giải pháp trước mắt thì chúng ta tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó. Từ dự báo cố gắng được sát hơn, kịp thời hơn, nhiều hơn. Phương châm ứng phó thì tích cực, đồng bộ hơn, từ cấp cơ sở đến toàn dân cho đến các cấp. 

Thứ ba, tới đây trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn, việc đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên nhất. 

Cũng liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu, trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có nói về cây dừa. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cây dừa là cây lợi thế trong biến đổi khí hậu, và diện tích trồng dừa của thế giới đang giảm, ta phải tập trung. Thứ hai là cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây này có thể là cây tỷ phú được.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã tập trung các nhóm giải pháp, có cả đề tài khoa học, giao cho Trà Vinh và một doanh nghiệp nhân giống vô tính cây dừa, vùng nào trồng giống dừa lấy dầu, vùng nào trồng dừa phục vụ công nghiệp chế biến để đem lại hiệu quả. Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Bộ Khoa học công nghệ để triển khai chủ trương này.

Tập trung đa dạng giải pháp để tháo gỡ và phát triển kinh tế biển

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đặt vấn đề: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới.

Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.

Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.

Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Đối với việc triển khai Nghị định 67, sau khi làm việc với các địa phương, chúng tôi đã tiếp tục báo cáo Thủ tướng để triển khai. Và trong thẩm quyền của mình, chúng tôi đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều nông dân vay vốn, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu. 

Cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức lại sản xuất hiệu quả bền vững hơn, và kiến nghị UBND các tỉnh, thành tập trung phối hợp với ngân hàng để rà soát các trường hợp. 

Những trường hợp bất khả kháng thì cơ cấu lại nợ, còn đối với các trường hợp chây ỳ, thì sẽ kiên quyết thu hồi nợ. Với các giải pháp này, Bộ NN&PTNT, các địa phương và ngân hàng cùng phải vào cuộc để giải quyết tốt hơn.  

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời bổ sung câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH Ninh Bình) chất vấn "tư lệnh" ngành Nông nghiệp: Cá ngừ địa phương là sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam, nếu làm tốt khâu chế biến và bảo quản, thì giá trị có thể nâng tới 1 - 2 tỷ đô. Vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng có chỉ đạo như thế nào trong xây dựng phương án, đảm bảo chế biến, bảo quản tốt cá ngừ sau đánh bắt?

Về khai thác hải sản, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn đã được trang bị các thiết bị đánh bắt, bảo quản hiện đại. Tuy nhiên, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng ta cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.

Về phương án nâng cao hiệu quả giá trị xuất khẩu cá ngừ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, xuất khẩu cá ngừ đã đạt được 650 triệu USD, tuy nhiên nếu khai thác, chế biến tốt hơn thì sẽ đạt giá trị cao hơn. 

Theo Bộ trưởng, có một số doanh nghiệp đã chế biến được sản phẩm từ cá ngừ, nhưng chưa nhiều. Như Khánh Hòa, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân khi đưa tàu hậu cần thu mua ngay trên biển. Nếu nhân rộng được mô hình này, giá trị nghề khai thác, chế biến cá ngừ có thể tăng gấp 2-3 lần.

Về giải pháp khắc phục tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, hằng năm chúng ta đang khai thác ở mức 3,1 - 3,2 triệu tấn, quá mức so với trữ lượng hải sản. Đội tàu của chúng ta đang quá đông, do đó Chính phủ có phương hướng giảm sản lượng khai thác, thay đổi cơ cấu kinh tế, đó là tăng cường nuôi biển.

Tại Kiên Giang, trước đây có 1 xã gần như 100% đi khai thác hải sản, nhưng đến nay hơn 1.000 hộ chuyển hướng nuôi cá lồng. Đây là xã nông thôn mới, đời sống của người dân rất cao.

Hữu Công (lược ghi)