Đánh giá hệ sinh thái quốc gia: Cần liên kết khoa học – chính sách – thực tiễn

Môi trường - Ngày đăng : 13:54, 06/11/2019

(TN&MT) - Từ ngày 6-7/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia và đối thoại các bên về dự thảo báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia.

Dự thảo báo cáo này thuộc dự án Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học – chính sách – thực tiễn, do Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IK) của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ tại 8 nước: Azerbaijan, Bosnia and Herzegovina, Cambodia, Cameroon, Colombia, Ethiopia, Grenada và Việt Nam, từ năm 2017 – 2020.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT cho biết, báo cáo về đánh giá hệ sinh thái được xây dựng trong bối cảnh những thập kỷ gần đây, nhân loại đã quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển bền vững dựa vào hệ sinh thái, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa vào các hệ sinh thái. “Việc nghiên cứu hệ sinh thái đã trở thành công cụ quan trọng trong việc đánh giá và kiểm soát các tác động đến môi trường trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ phục vụ đời sống con người, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ, chính xác và hệ thống về chức năng hay dịch vụ của các hệ sinh thái”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Được biết, đến nay, Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về đa dạng sinh học với nhiều cam kết quốc tế đã được nội luật hóa. Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, năng lực xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học với các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các công cụ mới, cách tiếp cận mới để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2011 – 2020, các mục tiêu Aichi và các mục tiêu phát triển bền vững.

“Với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, Hội thảo chính là cơ hội để chúng ta chia sẻ, học hỏi về các công cụ, cách tiếp cận, phương pháp luận và các dự liệu cần thiết để tham vấn hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là mối liên kế giữa khoa học – chính sách và thực tiễn và làm thế nào để lồng ghép đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái vào các kế hoạch, chiến lược liên quan của quốc gia”, PGS Nguyễn Thế Chinh nói.

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày về dự thảo báo cáo đánh giá hệ sinh thái, bà Huỳnh Thị Mai – Điều phối viên dự án thuộc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết, hiện nay, các hệ sinh thái đang bị suy giảm mạnh và đe dọa mất các chức năng cơ bản, dẫn đến nguy cơ mát các dịch vụ hệ sinh thái. Trong khi đó, nhiều chính sách quốc gia đã không đề cập đến đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.

Theo đó, phạm vi của nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 hệ sinh thái chính, bao gồm: rừng, đất ngập nước, biển và ven bờ cùng các dịch vụ cơ bản của 3 hệ sinh thái này như: dịch vụ cung cấp, hỗ trợ, văn hóa.

Những phát hiện chính đặt ra là từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đế 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Thế nhưng, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém.

Đối với hệ sinh thái biển và ven biển, lượng san hô cứng đang giảm dần. 63,5% rạn đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%). Nguyên nhân là do đánh bắt hải sản quá mức, phương pháp đánh bắt không hợp pháp gây ra sự thay đổi của hệ thống san hô. Việc khai thác san hô phục vụ du lịch cũng khiến tài nguyên này ở mức bị đe dọa.

Lượng san hô cứng ở Việt Nam đang giảm dần

Trước sự suy giảm của các hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần thiết phải tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (hệ sinh thái) tập trung hơn, phân định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp. Cũng cần làm rõ cơ chế điều phối giữa trung ương và địa phương và giữa các Bộ, ngành. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Đồng thời, có thể xây dựng cơ chế cho hoạt động bảo tồn tư nhân phát triển…

“Mục tiêu đặt ra là đến năm 2050, sự toàn vẹn hệ sinh thái và các chu trình tự nhiên của Việt Nam được duy trì và phục hồi, rừng, đất ngập nước sẽ được quản lý hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội bền vững hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu”, đại diện WWF nhấn mạnh./.

Tống Minh