Phép thử của thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:10, 05/11/2019

(TN&MT) - Việt Nam, một đất nước ở vào vị trí địa lý đặc biệt, thiên nhiên luôn đặt cho những thử thách khắc nghiệt.

Khí hậu biến đổi hết sức phức tạp. Những cơn mưa lớn cũng kéo dài bất thường hơn, kèm lũ lụt, sạt lở, kéo theo đó là vô vàn hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói, đó là sự giận dữ của mẹ thiên nhiên trước hành vi coi thường của con người với môi trường tự nhiên.

Tận diệt thiên nhiên để phục vụ lòng tham vô đáy, con người phải trả tất cả về với tự nhiên. Rừng bị tàn phá nhanh chóng, những biệt phủ dát gỗ quý vẫn gây xôn xao, thậm chí, bức xúc trong dư luận. Những đại gia gỗ, những “địa chủ đất rừng” thời hiện đại ngày càng nhiều và sự lầm than của dân nghèo ngày một trầm trọng

Con người đã làm được những gì để phòng, chống giảm nhẹ thiên tai? Hay chỉ mải mê mù quáng tham lam bạc đãi tự nhiên để rồi cơn thịnh nộ mỗi ngày một hung tàn như “đòn thù” kháng cự. Bão chồng bão, lũ chồng lũ - thiên tai mỗi ngày một dữ tợn hơn vì sự tiếp sức của “nhân tai”.

Đáng tiếc, mỗi khi xảy ra hậu quả nặng nề vẫn còn địa phương đổ lỗi cho tự nhiên. Đó chính là lý do cứ mỗi mùa mưa bão đến, lại có nhiều người thiệt mạng, bị thương và mất tích. Và năm sau con số đó không những không giảm, có khi còn tăng cao hơn năm trước. Đơn giản là vì không thấy lỗi không nhận ra trách nhiệm của mình sẽ chẳng bao giờ sửa sai được và đương nhiên hậu quả thiệt hại xảy ra rất khó tránh.

Thiệt hại nặng nề do thiên tai

Cũng chính từ sau những trận thiên tai đó, không ít địa phương đã “phát lộ” những yếu kém về hạ tầng, về quy hoạch. Bằng chứng là hiện nay, ngập lụt sau mưa lũ không chỉ dừng ở khu vực “chiêm trũng”, mà đã xảy ra nhiều nơi phồn hoa, tráng lệ. Những đô thị lớn, tưởng như chẳng bao giờ biết đến hậu quả của bão lũ, nay những cơn bão khiến cây đổ, đường phố biến thành sông là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng.

Thực tiễn tại các đô thị, những điểm “chiêm trũng” xuất hiện ngày càng nhiều. Danh sách đô thị chịu hậu quả nghiêm trọng sau mưa ngày càng nối dài chưa biết bao giờ có hồi kết. Từ thành phố ở vùng đồng bằng là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, tới cao nguyên Đà Lạt và ra tận đảo xa với hình ảnh thị trấn Dương Đông, Phú Quốc có nơi ngập sâu tới 2m.

“Chưa bao giờ thấy ngập lụt như thế này”, là câu cảm thán xuất hiện ở nhiều nơi! Với người dân đảo Phú Quốc có nhiều công trình, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, có nhiều khách du lịch tới thăm và giờ có thêm cả ngập lụt.

Còn tại Lâm Đồng, nơi có lũ nặng nhất là những nơi các vạt rừng bị phá để làm nhà kính trồng rau và hoa. Phú Quốc, nơi bốn bề là biển, rừng đầu nguồn còn giữ được khá tốt, nguyên nhân chính gây ngập lụt nghiêm trọng lại do ao hồ tự nhiên bị san lấp, hệ thống thoát nước đô thị đã nhanh chóng xuống cấp, quá tải vì không theo kịp với tốc độ phát triển dân cư và các cơ sở kinh doanh, du lịch.

Con người đã khai thác cùng kiệt tự nhiên nên phải chấp nhận trả giá. Chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức một cách tích cực, nếu không muốn đón nhận sự giận dữ hơn nữa trong tương lai.

 

Phương Anh