Tuổi trẻ phải tiên phong trong việc xanh hóa môi trường, bảo vệ không khí

Môi trường - Ngày đăng : 20:17, 04/11/2019

(TN&MT) - Đây là vấn đề cốt lõi được đặt ra tại Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và hành động của tuổi trẻ”, do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương giao Đoàn thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức chiều ngày 4/11, tại Hà Nội.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên thanh niên

Tham gia và trao đổi tại Tọa đàm có các chuyên gia: PGS.TS.Bùi Thị An - Viện trưởng Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng; PGS.TS.Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường; PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội; TS. Trần Đình Trinh - Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Trần Mạnh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường Plaumai Eco.

Cùng tham gia Tọa đàm có 250 cán bộ, đoàn viên, sinh viên của 57 cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và các Trường Đại học, Học viện trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.

Thông tin ô nhiễm không khí “hút” giới trẻ

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Hữu – Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương chia sẻ, gần đây, dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô rất quan tâm, bày tỏ lo lắng trước hàng loạt các sự cố liên quan đến môi trường sống liên tiếp xảy ra như vụ cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, vấn đề bụi mịn và ô nhiễm không khí, vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà… Trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí được đặc biệt quan tâm, chú ý bởi mức độ, phạm vi ảnh hưởng cũng như tác hại trực tiếp tới sức khỏe và môi trường sống của con người.

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức EPI của Mỹ thực hiện, Việt Nam đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là những nơi có chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Đồng chí Trần Hữu - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phát biểu


Chia sẻ với nỗi lo lắng của các đoàn viên thanh niên, PGS.TS.Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, bụi mịn trong không khí tăng cao gây nhiều nguy hại đến hệ thống hô hấp. Tỷ lệ người mắc các bệnh về đường hô hấp tăng trong thời gian gần đây.

“Thế nhưng, không phải đến gần đây, người dân mới quan tâm đến thông tin ô nhiễm không khí. Theo phân tích của Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, cách đây hàng chục năm, vấn đề ô nhiễm không khí đã được mọi tầng lớp xã hội quan tâm, song thời gian gần đây có sự quan tâm ở mức độ cao, nhất là ở Hà Nội, Ninh Bình và TP.Hồ Chí Minh. “Phần mềm đo ô nhiễm không khí, công cụ đo ô nhiễm không khí” là những cụm từ được tìm kiếm có tính “đột phá” trên google”, PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho biết.

Biến nhận thức thành hành động

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm

Cung cấp thêm nội dung về ô nhiễm không khí ở Hà Nội, PGS.TS.Bùi Thị An - Viện trưởng Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, hiện nay, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí Thủ đô. Đó là quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng ở nội đô không đảm bảo che chắn, phát tán bụi, việc vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng nơi, đúng chỗ, không che đậy. Ở ngoại đô, việc đốt rơm rạ hay sử dụng bếp than tổ ong cũng là nguồn phát tán ô nhiễm. Cùng với đó, các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô cũng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

“Trong khi phương tiện giao thông công cộng còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc sinh viên sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy cũng cần lưu ý đến việc giảm phát thải thông qua việc sử dụng nhiên liệu sạch và bảo toàn máy móc”, bà Lan khuyến nghị.

Còn theo PGS.TS.Doãn Ngọc Hải, người dân nói chung và các thanh niên nói riêng cần chú ý đến việc sử dụng khẩu trang khi ra đường. Khẩu trang phải lọc được bụi, không cản trở hô hấp, không cản trở tầm nhìn. “Các bạn nên sử dụng khẩu trang có thành phần than hoạt tính để đảm bảo sức khỏe khi tham gia giao thông, TS.Hải nói.

Nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn, PGS.TS.Bùi Thị An cũng cho rằng, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí là vấn đề lớn, trách nhiệm của cả Chính phủ và người dân. Muốn bảo vệ không khí, phải có quy hoạch tổng thể của các ngành như quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông…phù hợp và phải thực hiện đúng với quy hoạch đã đề ra.

“Trong thực tiễn, việc xanh hóa các công trình xây dựng, phát triển giao thông xanh, tạo văn phòng xanh, phòng ở xanh cũng chính là những hành động thiết thực để tạo “màng lọc xanh” cho không khí trong lành hơn”, bà An đề xuất.

Nhắn nhủ đến giới trẻ, PGS.TS.Bùi Thị An khẳng định: “Chỉ bằng những hành động nhỏ như trồng thêm cây xanh ở nơi làm việc hay nơi ở cũng góp phần bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, việc kết nối các giải pháp từ nhỏ đến lớn sẽ tạo ra sự thay đổi của xã hội trong việc giảm ô nhiễm không khí hiện nay”.

Tống Minh