Cao Bằng: Cần xử lý nghiêm tình trạng tự ý đổ thải, san lấp mặt bằng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 09:48, 04/11/2019

(TN&MT) - ​​​​​​​Nhiều người dân tự ý đào, san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng địa hình sử dụng đất, dẫn đến nguy cơ sạt lở hay một số đơn vị “biến” diện tích ruộng của người dân thành bãi đổ đất đá của các công trình trong khu vực...

Tự ý san đất tạo mặt bằng

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến tìm hiểu thực tế tại địa bàn xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng san gạt đất đá tạo mặt bằng. Dọc tuyến tỉnh lộ 209, thuộc địa phận xã Lê Chung, huyện Hòa An, không khó để phóng viên nhận ra nhiều điểm đổ đất tràn lan, trong đó có một số vị trí lên đến hàng chục nghìn khối đất. Một số xe tải ngang nhiên chở đất ra ngoài lề đường để đổ, bất chấp vi phạm quy định pháp luật.

Chỉ tính riêng khu vực từ xóm Pác Khuổi đến xóm Khuổi Diển, xã Lê Chung đã có 4 điểm đổ đất thải công trình trái phép. Tại xóm Pác Khuổi, hộ ông Chu Văn Anh đã tự ý dùng máy xúc san gạt, đổ đất để tạo mặt bằng tại thửa đất số 78, 33 tờ bản đồ địa chính xã Lê Chung số 9. Diện tích 6.420 m2 là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất vườn, đã được ông Chu Văn Anh thuê máy ủi san gạt và cho xe chở đất từ các công trình vào đổ lấp tạo mặt bằng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép.

Trả lời về lý do san gạt, đổ đất tạo mặt bằng, người lái xe tải ben chở đất khẳng định, đây là đất gia đình đã có bìa đỏ nên gia đình chủ động cải tạo để làm vườn. 

Hộ gia đình ông Chu Văn Anh, xóm Pác Khuổi, xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng tự ý dùng máy xúc san gạt, đổ đất để tạo mặt bằng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép.

Với tình trạng các hộ dân tự ý san lấp, đổ đất làm biến dạng địa hình để tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lẽ ra chính quyền xã Lê Chung, huyện Hòa An phải nhanh chóng kiểm tra toàn bộ trên địa bàn xã, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử phạt theo thẩm quyền quy định.

Thế nhưng, đến ngày 24/9/2019, lãnh đạo UBND xã này mới chỉ kiểm tra tại hộ ông Chu Văn Anh tại xóm Pác Khuổi. Với khối lượng san gạt, đổ thải khoảng 1.000 m3 có nguy cơ sạt lở xuống dòng sông Hiến gây ô nhiễm môi trường.

Tại biên bản kiểm tra xác minh việc đổ đất của hộ ông Chu Văn Anh, ngày 24/9/2019 của UBND xã Lê Chung nêu rõ: “Việc tự ý đổ đất khi chưa được cấp cơ quan có thẩm quyền cho phép vào đất vườn cây lâu năm, đất bằng trồng cây hằng năm của gia đình, nếu sạt lở xuống dòng sông thì gia đình ông Chu Văn Anh phải chịu trách nhiệm khắc phục lại hiện trạng ban đầu”. Trên thực tế, sau vài trận mưa vừa qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã không tránh khỏi nhiều khối lượng đất san gạt trôi trượt xuống dòng sông.

Trước thực trạng đó, dư luận đã đặt ra câu hỏi vì sao UBND xã Lê Chung chỉ lập biên bản cho dừng san ủi, đổ đất trái quy định chứ không có quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật?

Tương tự tại các xã: Đức Long, Bế Triều, Bạch Đằng, Ngũ Lão, Nam Tuấn thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng trung tuần tháng 6/2019, nhiều điểm đất đồi, đất canh tác cũng bị nhiều người dân tự ý san gạt, đổ đất, đổ thải tạo mặt bằng để cho thuê sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được phép của cơ quan chức năng.

Sau khi một số cơ quan truyền thông phản ánh, UBND huyện Hòa An đã thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản 12 hộ gia đình, cá nhân vi phạm tự ý san gạt, làm biến dạng địa hình, chuyển mục đích sử dụng đất tại các xã trên.

Song điều đáng nói là sau kết quả kiểm tra cũng chỉ là nhắc nhở, tuyên truyền vận động các trường hợp vi phạm và cho… “tạm dừng” hoạt động san gạt, đổ thải, hoặc hướng dẫn các gia đình, cá nhân vi phạm làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất, chứ chưa có hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật, không có phương án hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu.

Tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Nhiều diện tích ruộng lúa của dân trở thành nơi đổ thải       

Diện tích 6.000 m2 ruộng gieo trồng 2 vụ lúa/năm của 8 hộ dân xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng không còn sản xuất được nữa do bị ảnh hưởng bởi công trình thi công của Công ty TNHH Chế biến khoáng sản Nam Phong.

Sự việc vẫn đang còn gây bức xúc trong người dân thì mấy tháng gần đây phần lớn trong số 6.000 m2 diện tích ruộng này trước mặt tiền có quốc lộ 34 đi qua bỗng trở thành bãi đổ đất đá thải, san lấp thành mặt bằng của các đơn vị thi công công trình giao thông.

Doanh nghiệp thi công ngang nhiên sử dụng máy xúc san lấp đất nông nghiệp tại xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Tại xóm Bản Ính, xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cũng xảy ra tình trạng một đơn vị thi công dự án giao thông trên tuyến quốc lộ 34 thông đồng với hộ dân đổ hàng nghìn mét khối đất mà không có giấy phép của cơ quan chức năng. Dự án giao thông mở cua, khắc phục điểm đen trên tuyến quốc lộ 34, thuộc địa phận xóm Gò Luồng, xã Bắc Hợp, do Công ty cổ phần Giao thông 232 Chi nhánh Cao Bằng thi công.

Chủ nhân của đất nông nghiệp bị đổ đất san lấp này là ông Hoàng Hồng Sắc, trú tại xóm Nà Bao, xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã tự ý thông đồng với doanh nghiệp thi công ngang nhiên sử dụng máy xúc san lấp đất nông nghiệp, với diện tích hàng nghìn mét vuông.

Theo một số người dân khu vực cho biết, hằng ngày phải chứng kiến những chiếc xe ô tô tải trọng lớn dồn dập chở đất đến đổ san lấp ruộng, khiến tuyến đường này trở nên nham nhở, trời nắng thì bụi mù, trời mưa thì lầy lội, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Điều đáng nói, hằng ngày xe tải vẫn chở đất thải đến đổ nhưng không có ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Việc san gạt, đổ thải làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm, trong khi Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Có một thực tế, do nhu cầu nhà ở và kinh doanh, nhiều người dân ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng tự ý hoặc thông đồng với các doanh nghiệp thi công công trình đổ đất đá thải, san gạt lấn chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp để tạo mặt bằng nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền cho phép, sau khi bị phát hiện thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Cao Bằng cũng chỉ phạt hành chính rồi cho tồn tại.

Đối với tình trạng này, các cấp, ngành tỉnh Cao Bằng cần có phương án rà soát, xem xét và tăng cường quản lý giải quyết dứt điểm những vi phạm này.

Anh Thư - Xuân Vũ