Lan tỏa phong trào “Nói không với rác thải nhựa”

Môi trường - Ngày đăng : 22:31, 01/11/2019

(TN&MT) - Vừa qua, trường Hội nhập Quốc tế Ischool Quảng Trị đã tổ chức hoạt động ngoại khóa vui chơi ngày lễ Halloween, học sinh các lớp được mở một gian hàng để bán những sản phẩm. Nổi bật trong số đó là một gian hàng sinh thái với khẩu hiệu “Nói không với rác thải nhựa”

Câu khẩu hiệu của các bạn nhỏ lớp 2B

Trong lá thư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 trường Marie Curie (Hà Nội) về lời kêu gọi của cô bé “Không thả bóng bay trong ngày khai trường”, Bộ trưởng đã rất hy vọng hành động nhỏ của Nguyệt Linh sẽ được lan tỏa để xây dựng môi trường sư phạm không rác thải nhựa.

"Bác mong ước mơ của con sớm thành hiện thực và con sẽ cùng các bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta", Bộ trưởng Trần Hồng Hà viết trong thư.

Từ hành động của một cô học trò bé nhỏ đã lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường cho rất nhiều người. Các chiến dịch truyền thông “Nói không với rác thải nhựa” nên bắt đầu bằng sự đổi thay của trẻ thơ.

Trong năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh, giáo viên, thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” bằng nhiều hoạt động. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen đã hình thành từ lâu thì phong trào này cần phải thực hiện một cách bền bỉ và thiết thực.

Trong khuôn khổ của hoạt động ngoại khóa vui chơi ngày lễ Haloween tại trường Hội nhập Quốc tế Ischool Quảng Trị, học sinh các lớp được mở một gian hàng để bán những sản phẩm với mục đích giúp trẻ tập làm quen với kinh doanh. Hầu hết các gian hàng đều bán đồ ăn, thức uống được đựng trong các hộp xốp, ly nhựa và túi nilon .

Đối với những đứa trẻ, việc được bố mẹ cho sử dụng tiền tại hội chợ là điều rất thường tình. Chúng nghiễm nhiên sẽ chọn những đồ ăn thức uống bắt mắt, xong xuôi thì tiện tay vứt rác nơi công cộng, nên chỉ một lúc sau khi các gian hàng mở, rác thải nhựa tràn đầy nhà thi đấu đa năng của trường.

Giữa đám đông ồn áo náo nhiệt đó, có một lớp với khẩu hiệu “Nói không với rác thải nhựa” bài trí những sản phẩm được làm từ tre nứa như ống hút, hộp đựng dụng cụ học tập, các túi nhỏ xinh xắn đựng thìa, đĩa bằng gỗ có thể đem đến trường hoặc đi vui chơi. Những món ăn được lót bằng lá chuối, đựng trong những vật liệu tre nứa, những chai nhựa bỏ đi được tận dụng làm các đồ đồ trang trí dễ thương.

Tổng quan gian hàng của lớp 2B

Quầy hàng sinh thái này thu hút rất nhiều bạn nhỏ đến tham quan. Tại đây, các em được ngắm và được lắng nghe về lợi ích của việc dùng các sản phẩm tái chế và các sản phẩm hữu cơ. Các em đã suy nghĩ và quyết định sử dụng số tiền gấp vài lần số tiền mua đồ ăn để sở hữu cho mình những sản phẩm  sinh thái này này.

Cô giáo Thu Huyền – chủ nhiệm lớp 2B chia sẻ: “Khi chuẩn bị cho hội chợ, em đã rất lo lắng vì sợ những sản phẩm này không phù hợp với thị hiếu của học sinh, nhưng mình cứ thử làm”. Vậy là hội phụ huynh, cô giáo cùng tất cả học sinh đã cùng nhau chuẩn bị, trang trí cho gian hàng.

Chai nhựa bỏ đi được tận dụng làm các đồ đồ trang trí (bên trái) và những sản phẩm được làm từ tre nứa (bên phải)

Chị Lan Phương, chủ doanh nghiệp xã hội Ecorise tại Đông Hà, khi biết tin có một lớp quyết tâm “trình làng” gian hàng sinh thái đã cung cấp toàn bộ những sản phẩm của doanh nghiệp. Theo chị Phương, không quan trọng bán được bao nhiêu, quan trọng là các con biết được lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm tái chế và các sản phẩm hữu cơ.

Mọi sự đổi thay nên bắt đầu rất sớm trong cuộc đời của mỗi con người. Đổi thay bắt đầu từ con trẻ sẽ rất hiệu quả, vì không chỉ riêng cho bản thân mình thay đổi mà các em có thể vận động bố mẹ, gia đình và cộng đồng thay đổi những thói quen sử dụng đồ nhựa một lần để hình thành và duy trì hành vị tích cực bảo vệ môi trường. Nhưng để “Nói không với rác thải nhựa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và mang lại hiệu quả cao nhất, thì cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Hoàng Ngân - Đăng Nhật