ĐBQH đề nghị gắn ứng phó với BĐKH vào phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Môi trường - Ngày đăng : 17:21, 01/11/2019
Bày tỏ cơ bản thống nhất với Đề án, Đại biểu Dương Tấn Quân đề cập đến những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế đã được cơ quan soạn thảo nêu trong đề án, đã bao quát khá đầy đủ và nhấn mạnh cần làm rõ những khó khăn, hạn chế của vùng dân tộc thiểu số miền núi.
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tham luận tại Hội trường sáng 1/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Gắn ứng phó với biến đổi khí hậu với chính sách giảm nghèo bền vững
Ông Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá, bổ sung thêm một yếu tố cũng rất là quan trọng, đó là công tác bảo vệ, phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với chính sách giảm nghèo bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đại biểu, “đây là một yếu tố không thể thiếu trong việc tạo sinh kế cho đồng bào. Thời gian qua tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng bất hợp pháp khá nghiêm trọng ở một số địa phương”.
Mặt khác, theo đại biểu Dương Tấn Quân, công tác quản lý của chúng ta cũng đang còn rất lỏng lẻo. Rừng bị tàn phá thì kéo theo hệ quả mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân. Nhà nước cũng đã bỏ ra rất nhiều ngân sách để hỗ trợ khắc phục.
Thực tế cho thấy qua đợt mưa lũ thì một số hộ dân vừa thoát nghèo hay cận nghèo đã trở thành hộ nghèo. Do vậy, cần phải đánh giá rất cụ thể những khó khăn, tồn tại, hạn chế để có những giải pháp khắc phục và thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong đề án.
Thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Góp ý vào các dự án thành phần, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, tại dự án 4, dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, tôi cũng cơ bản thống nhất với các mục tiêu, chương trình mà dự án đề ra. Tôi xin góp ý vào một chương trình, đó là chương trình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
“Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, phải đặc biệt quan tâm, vì hiện nay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là rất cao” – Đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, như trong đề án đã nêu, tình trạng hôn nhân cận huyết gây ra rất nhiều hệ lụy như làm suy giảm nòi giống, sinh con dị dạng, mang nhiều bệnh tật di truyền hay là thiểu năng trí tuệ, tử vong ở trẻ sơ sinh...
Là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến tình trạng bệnh tật, nghèo nàn, lạc hậu cho nên tôi đề nghị phải đặc biệt quan tâm và phải đặt chỉ tiêu cao hơn, tập trung nguồn lực để ngăn chặn tình trạng này.
Trong dự án cũng đã đưa ra mục tiêu là giảm 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5% số cặp hôn nhân cận huyết, đến năm 2025 thì phấn đấu ngăn chặn và hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Theo tôi nếu chúng ta đặt chỉ tiêu là 3-5%/năm thì đến năm 2025 có thể chúng ta sẽ không hoàn thành chỉ tiêu này.
Một trong những giải pháp mà dự án đưa ra để hoàn thành các chỉ tiêu này là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa, xã hội được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông, thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đại biểu Quân cho rằng giải pháp này không khó, vì thực tế các cán bộ văn hóa, cán bộ làm công tác dân tộc hiện nay cũng đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Thời gian qua chúng ta cũng đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Đại biểu đề nghị chúng ta phải đánh giá nguyên nhân do đâu để đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn, theo tôi ngoài vấn đề tuyên truyền, vận động đến các hộ đồng bào thì phải gắn trách nhiệm với các chỉ tiêu đánh giá đối với cán bộ làm công tác này hàng năm.
Ông Dương Tấn Quân đề nghị có thể lồng ghép nhiều hình thức, nhiều chương trình như đưa vào chương trình dạy học cho các em, để các em thấy được những hậu quả của vấn đề hôn nhân cận huyết. Hay có thể đưa vào các chương trình phát sóng trên tivi của địa phương bằng tiếng dân tộc...
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi bị lừa bán ra nước ngoài
Ngoài ra, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể điều chỉnh một chỉ tiêu dự án 6 đưa ra, đó là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tái hòa nhập cộng đồng sau khi bị lừa bán ra nước ngoài hay lấy chồng nước ngoài. “Tôi xin nhấn mạnh là phụ nữ dân tộc thiểu số tái hòa nhập cộng đồng khi bị lừa bán sang nước ngoài” - ông Quân nhấn mạnh.
Đại biểu đặt vấn đề vì sao chúng ta không đặt mục tiêu là giảm thiểu hay ngăn chặn tình trạng phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số bị lừa bán ra nước ngoài mà lại đặt mục tiêu là hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Thống kê điều tra cho thấy 5 năm từ năm 2012 đến năm 2017 số nạn nhân bị mua bán hay nghi vấn bị mua bán là 3.590 người, trong đó 90% bị bán sang Trung Quốc, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số chiếm 80% và chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Những nạn nhân này chủ yếu là làm nô lệ, lao động cưỡng bức, hay lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê... “Theo tôi chúng ta nên phòng bệnh hơn là chữa bệnh, do vậy cũng rất mong muốn Ban soạn thảo đưa vào mục tiêu này” – Đại biểu Dương Tấn Quân nói.