ĐBQH Ngô Sách Thực: Hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí
Thời sự - Ngày đăng : 21:24, 31/10/2019
Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội trường |
Theo ĐBQH Ngô Sách Thực, nhiều tồn tại, hạn chế dù đã được chỉ đạo nhưng việc khắc phục còn chậm như: phân loại rác, chất thải rắn tại nguồn cũng như chưa có hệ thống thu gom xử lý rác, phân loại tại nguồn thích hợp, nhiều nơi chính chỗ tập kết rác là nơi gây ô nhiễm. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao; tổ chức việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ. Nhiều nơi đã thực hiện phân loại từ hộ nhưng khi thu gom, vận chuyển, xử lý thì lại dồn chung.
Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số nơi chưa xử lý dứt điểm. Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, chúng ta mới có 12,5% lượng nước thải đô thị loại 4 được xử lý và 46,5% các địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị, tỷ lệ xả nước trực tiếp còn rất cao. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại. Sự cố môi trường xảy ra một số nơi như thể hiện cảnh báo, thông tin phòng ngừa chưa kịp thời.
Từ thực tế này, đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị, cần chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2020 trong năm 2020.
Bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới nhất là các giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân.
Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách và văn bản pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này, trong khi nguồn lực thực hiện cho môi trường rất cần thiết, nhưng với kinh phí 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường nhiều nơi bố trí không đủ, có nơi bố trí được nhưng không tiêu được và việc phân bổ chi cho đầu tư phát triển cho tài nguyên môi trường đạt thấp.
Cùng với đó, cần tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Ngoài việc chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định các dự án đầu tư đầu tư, khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, kiểm soát xả thải, kiểm soát nhập khẩu công nghệ, kiểm soát chất cấm nhập khẩu…, theo ĐB Ngô Sách Thực, cần chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy tố trước pháp luật. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải và cần tổ chức biểu dương các sáng kiến hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong nhân dân hàng năm và định kỳ.
Việc sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ có cách làm hay trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời chỉ đạo các cấp các ngành liên quan xây dựng phương án xấu nhất để xử lý sự cố môi trường có thể gây ra, mở rộng hệ thống quan trắc môi trường để có cảnh báo sớm thông tin kịp thời cho người dân.