Sơn La: Còn nhiều khó khăn trong thu gom, xử lý chất thải rắn
Môi trường - Ngày đăng : 21:22, 31/10/2019
Tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt thấp
Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 28 xã và 01 thị trấn. Theo số liệu từ UBND huyện, khối lượng thu gom rác thải tại thị trấn khoảng 434 tấn/tháng (bình quân 14,5 tấn/ngày); khối lượng thu gom tại các xã ngoài đô thị khoảng 310 tấn/tháng. Do bãi rác cũ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới khu vực dân cư, từ năm 2015 tới nay, huyện Thuận Châu đã triển khai xây dựng Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung mới từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường và ngân sách nhà nước, diện tích 11ha. Đồng thời, đã tiến hành phục hồi môi trường với bãi rác cũ.
Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung huyện Thuận Châu |
UBND huyện Thuận Châu đang giao Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La – Chi nhánh Thuận Châu thực hiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thị trấn và 8 xã dọc quốc lộ 6; các xã còn lại tự thành lập tổ thu gom rác thải của xã. Qua số liệu thống kê, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 45-50%, khoảng 35-40% các hộ tự đào hố đốt hoặc chôn lấp tại vườn nhà, phần còn lại 5-10% chưa được thu gom, còn đổ thải tại các khu vực ven đường, bên cạnh sông, ngòi, ao hồ…
Ngoài ra, mỗi năm, huyện Thuận Châu đã cân đối bổ sung ngân sách cho các xã, thị trấn với tổng số tiền 315 triệu đồng để thực hiện Đề án xử lý rác thải. Bên cạnh đó, tại các xã, khi phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, đã bố trí địa điểm xây dựng bãi rác, song do kinh phí đầu tư lớn, ngân sách chưa bố trí để đầu tư, nên công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói chung và chất thải rắn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở các xã đạt thấp.
Bãi rác cũ huyện Thuận Châu hiện đã được đóng cửa, hoàn thành công tác cải tạo phục hồi môi trường |
Còn tại huyện Mai Sơn, tổng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 33 tấn/ngày đêm, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt khoảng 95%. Rác thải khu vực đô thị được thu gom về bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của huyện, chủ yếu xử lý bằng biện pháp phun công nghệ IM, khử mùi, diệt ruồi; định kỳ rắc vôi bột hạn chế mức độ phát tán.
Từ năm 2015 đến nay, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ 114 xe gom rác đẩy tay cho 8/22 xã, thị trấn hoạt động xã hội hóa công tác thu gom chất thải sinh hoạt khu trung tâm xã, khu dân cư tập trung và xử lý tại bãi chôn lấp chất thải rắn huyện. Tại các xã còn lại, huyện đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân thu gom, chôn lấp và đốt tại khuôn viên đất của gia đình. Ngoài ra, mỗi năm bổ sung cân đối ngân sách cho một số xã thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, vận chuyển từ trung tâm xã về bãi chôn lấp tập trung của huyện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Mai Sơn, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp; hiệu quả xử lý chất thải rắn chưa cao; chưa phân loại rác tại nguồn và khả năng tái chế, tái sử dụng rất thấp. Nguồn ngân sách huyện còn hạn hẹp, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh giao hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, còn ảnh hưởng đến môi trường.
Bãi chôn lấp chất thải rắn tại 11 huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Sơn La đều đang áp dụng phương pháp chôn lấp thủ công (Ảnh: Bãi rác huyện Bắc Yên) |
Giải pháp nào tháo gỡ?
Theo số liệu thống kê từ Sở TN&MT Sơn La, tổng khối lượng chất thải rắn được thu gom, vận chuyển trên toàn tỉnh Sơn La khoảng 271,49 tấn/ngày (trong đó, tại trung tâm các huyện, thành phố là 219,52 tấn; một số khu vực các xã lân cận được mở rộng địa bàn thu gom là 51,97 tấn/ngày). Tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị được thu gom năm 2018 đạt trung bình khoảng 88%. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường năm 2018 đạt khoảng 48%.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào khu nhà máy xử lý rác thành phố đạt khoảng 70,85 tấn/ngày (tại thành phố Sơn La); 200,64 tấn/ngày được thu gom chôn lấp (tại các trung tâm huyện, thành phố); khoảng 60 tấn/ngày tại các vùng nông thôn, xa khu vực thu gom tập trung được tự chôn lấp hoặc tồn tại ngoài môi trường.
Nhiều khu vực người dân vẫn tự thu gom, xử lý rác thải |
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn, nhưng tỉnh Sơn La vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn thu gom chất thải rắn rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi gây khó cho công tác quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung. Công tác thu hút đầu tư đối với xử lý chất thải rắn cũng vướng mắc do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, ý thức của người dân về thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn đúng nơi quy định còn hạn chế.
Nguồn kinh phí thực hiện còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 Quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La. Song, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải chỉ đáp ứng được một phần (khoảng 10%), còn lại là ngân sách nhà nước cân đối cho công tác trên.
Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải trong thời gian tới, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn. Cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục đầu tư dự án xử lý chất thải rắn, ban hành và hướng dẫn các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính cho các tổ chức, cơ sở đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn có áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo hướng giảm thiểu lượng rác chôn lấp; xem xét, trình cấp có thẩm quyền tăng tỷ lệ % ngân sách dành cho sự nghiệp môi trường. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ quản lý các cấp.