Phát thải khí CO2 do thiệt hại rừng nhiệt đới chưa được đánh giá đúng

Thế giới - Ngày đăng : 18:43, 31/10/2019

(TN&MT) - Các nhà khoa học cho biết các nhà hoạch định chính sách cần phân tích nhiều hơn về tác động của khí hậu đối với các khu rừng và lợi ích của việc bảo vệ rừng.

Khói bay trong đám cháy ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: Bruno Kelly / Reuters

Theo một nghiên cứu mới, khí thải nhà kính do thiệt hại của các khu rừng nhiệt đới gây ra trên khắp thế giới đang bị đánh giá rất thấp.

Nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) cho thấy tác động khí hậu của việc khai thác gỗ chọn lọc, phát quang rừng triệt để và chữa cháy trong các khu rừng nhiệt đới từ năm 2000 - 2013 đã bị đánh giá thấp 6,53 tỷ tấn CO2.

Các con số dường như còn “thận trọng” và cũng không bao gồm khí thải từ các khu rừng khác hoặc các khu rừng rộng lớn ở các vĩ độ cao của bán cầu bắc.

Giáo sư James Watson thuộc Đại học Queensland, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Suy thoái rừng ảnh hưởng đến cácbon. Điểm mấu chốt là chúng tôi biết những con số về suy thoái sẽ rất lớn nhưng chúng tôi thật sự kinh ngạc khi biết nó lớn như thế nào”.

Khi các quốc gia tuyên bố phát thải khí nhà kính từ những thay đổi trong rừng, họ không tính đến CO2 đã có trong rừng trong nhiều thập kỷ nếu chúng không bị chặt phá. Đây gọi là biện pháp “bỏ qua”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cũng tính đến lượng phát thải cho đến năm 2050 - khung thời gian liên quan đến thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris.

Nghiên cứu cho thấy 6,53 tỷ tấn CO2 đối với lượng khí thải đã bị bỏ qua và các tác động của thiệt hại khác không được tính đến.

Để so sánh, tính đến tháng 3 năm nay, lượng khí thải của Úc ở mức 538,9 triệu tấn CO2. Lượng khí thải toàn cầu từ đốt than năm 2017 là 14,6 tỷ tấn CO2.

“Có thể thấy rõ bên trong phong trào môi trường đã thể hiện nỗ lực rất lớn để xử lý khí thải từ than đá và vai trò của vận tải hàng không. Điều đó rất quan trọng, nhưng rừng đã bị lãng quên” – Watson nhấn mạnh.

Nghiên cứu chỉ tính lượng khí thải từ rừng nhiệt đới. Tổng cộng, các khu rừng trên thế giới đã chiếm khoảng 28% lượng khí thải do con người gây ra trong giai đoạn từ năm 2007-2016, trong đó các khu rừng nhiệt đới chiếm khoảng một nửa lượng hấp thụ đó.

“Chúng ta mới chỉ đề cập đến rừng nhiệt đới chứ chưa nhắc đến rừng nói chung. Chúng ta cũng không nên nhìn vào những khu rừng phương bắc là tâm điểm trong thị trấn. Những con số đó sẽ rất đáng kinh ngạc. Câu chuyện này sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta đánh giá toàn bộ thảm thực vật” – Watson cho biết.

“Theo quan điểm chính sách, đây là một câu chuyện “kinh hoàng”, nhưng nó cũng chỉ ra một giải pháp đơn giản. Việc giữ rừng nguyên vẹn và tính toán đúng đắn sẽ mang lại lợi ích cạnh tranh cho các quốc gia như Úc” - Watson cho biết thêm.

Tác giả chính Sean Maxwell của Đại học Queensland cho biết: “Thông thường chỉ xem xét phát thải “xung” - những phát thải được giải phóng ngay khi khu rừng nguyên vẹn bị phá hủy. Phân tích của chúng tôi xem xét tất cả các tác động như ảnh hưởng của khai thác gỗ chọn lọc, cô lập cácbon bị suy giảm, mở rộng ảnh hưởng đến các bìa rừng và tuyệt chủng loài”.

Pep Canadell của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Dự án Cácbon toàn cầu, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết những phát hiện này rất phù hợp.

“Những nghiên cứu cho thấy nếu mục tiêu cuối cùng của chúng ta về bảo vệ rừng là biến đổi khí hậu thì còn nhiều yếu tố khác mà chúng ta không tính đến trong kiểm kê cácbon. Những nhà nghiên cứu này đang kêu gọi điều này” - Pep Canadell cho biết thêm.

Mai Đan