Hà Nội cần cơ chế, chính sách đặc thù trong bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 11:10, 31/10/2019

(TN&MT) - Qua 6 năm thực hiện Luật Thủ đô, thực tiễn cho thấy vẫn còn những “khoảng trống” chính sách khiến công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội gặp không ít khó khăn.

Bàn thảo về thực trạng công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô, các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, UBND TP cần xem xét quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường. 

Công tác bảo vệ môi trường ở Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực

Còn nhiều vướng mắc

Tại Hội thảo do Sở TN&MT và Sở Tư pháp TP. Hà Nội tổ chức ngày 30/10, các đại biểu đã cùng đánh giá lại việc thực thi Luật Thủ đô trong 6 năm qua đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, từ ngày 1/7/2013, Luật Thủ đô đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 14 Luật Thủ đô, từ 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, Sở TN&MT và các cơ quan quản lý Nhà nước, Công an TP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng hơn 11.000 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường đối với hơn 4.000 cơ sở với tổng mức xử lý trên 65 tỷ đồng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về việc triển khai và vận hành các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, TP đã đưa vào vận hành 3 khu xử lý chất thải gồm khu Nam Sơn, Sóc Sơn khoảng (4.500 – 5.000 tấn/ngày); khu Xuân Sơn, Sơn Tây (1.200 – 1.400 tấn/ngày), khu xử lý rác Phương Đình, Đan Phượng.

TP cũng chấp thuận đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày đêm; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày đêm.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai thực hiện một số dự án, đề án thử nghiệm xử lý nước sông, hồ. Nhiều dự án đầu tư các cụm công trình đầu mối, trạm bơm đã được đầu tư hiệu quả. UBND TP đã phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ, tỷ lệ 1/500. TP cũng lập danh sách di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch, xây dựng đô thị tại 12 quận nội thành Hà Nội, xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP vào tháng 11 tới.

Nhìn nhận về các kết quả này, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

Đại diện Sở TN&MT phân tích, Luật chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành.

Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý môi trường các cấp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý; lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành...

Trong khi đó, hiện trạng đặt ra là nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản; không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm. Nhiều làng nghề chưa được đầu tư các hệ thống xử lý chất thải. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao….

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Trước thực trạng trên, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị, UBND TP xem xét quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với các dự án về nước thải, chất thải rắn đô thị trong khi nguồn vốn đầu tư của TP còn hạn chế và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn, có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế chỉ định thầu.

Áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp, các làng nghề. Hạn chế cấp phép đầu tư cho một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong khu vực trung tâm đô thị, từng bước điều tiết các ngành nghề sản xuất cho phù hợp với khả năng chịu tải của đô thị, hạn chế ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực trong TP như hiện nay.

Quy định mức xử phạt riêng đủ mạnh đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như đổ trộm rác thải xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải…

Cần biện pháp xử phạt đủ mạnh đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường

Các đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô có liên quan để phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành. Tại khoản 2 Điều 14 nên quy định “nghiêm cấm xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường” thay vì “nghiêm cấm xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường”.

Ngoài ra, bổ thêm nội dung quy định đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, nhất là các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô như “Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp có hành vi xả nước thải, khí thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài môi trường. Các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô phải xây dựng kế hoạch di dời sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp”.

         Luật Thủ đô: Điều 14. Quản lý và bảo vệ môi trường

1. Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

2. Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.

Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

 

 

Yên Thi