Phát triển giao thông xanh: Kết nối vựa lúa “Chín Rồng”
Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 31/10/2019
Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ hồi tháng 4/2019: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân ở mọi miền đất nước, trong đó, có vùng ĐBSCL… Không có giao thông, vùng ĐBSCL sẽ không phát triển được.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Thủ tướng chỉ thị các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP, trong đó, khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung đầu tư nguồn lực để hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối đồng bộ giao thông ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia.
Nhìn lại những thành quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, bức tranh về hạ tầng cơ sở vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến. Bằng chứng là trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Không có giao thông, vùng ĐBSCL sẽ không phát triển được. Ảnh: MH |
Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, tuyến vận tải thủy sông Sài Gòn (cầu Bình Lợi)... Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn để triển khai cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến tránh thành phố Long Xuyên, Quốc lộ 57 đoạn Bến Tre - Vĩnh Long, Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT…
Kết nối để phát triển bền vững
Suốt 20 năm qua, trên 20 triệu người dân trong vùng liên tiếp đón nhận nhiều cây cầu lớn được hoàn thành: cầu Mỹ Thuận (2000), cầu Rạch Miễu (2009), cầu Cần Thơ (năm 2010), cầu Năm Căn (2015), cầu Cổ Chiên (2015), cầu Cao Lãnh (2018), cầu Vàm Cống (tháng 5/2019), góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn toàn vùng.
Hàng trăm năm qua, người dân ĐBSCL đã quen đi đò, đi phà, qua bắc… mỗi khi muốn qua sông. Đến năm 2000, một sự kiện lớn, sự mong đợi cả vùng là thông xe cầu dây văng Mỹ Thuận đầu tiên của cả nước. Mơ ước ngàn đời bắc qua sông Tiền của người dân đã thành hiện thực. Dự án cầu Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long trên tuyến Quốc lộ 1, khánh thành vào 21/5/2000, được xem như dấu mốc mở màn đầy triển vọng cho việc kết nối những ngăn sông cách trở của vùng miền Tây sông nước.
Nối tiếp niềm vui, hai năm sau, cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng dài nhất Việt Nam - cầu Rạch Miễu do các đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân Việt Nam xây dựng, được khởi công, nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trên Quốc lộ 60. Cầu dài 2.878m chưa tính đường dẫn (dài 8.330m), do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới, được khởi công ngày 30/4/2002 và khánh thành vào 19/1/2009, xóa vị thế “ốc đảo” ba cù lao của tỉnh Bến Tre với thế giới bên ngoài, tạo điều kiện và cơ hội để Bến Tre phát triển và bứt phá liên tục những năm sau đó.
Rồi đến cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối Cần Thơ với Vĩnh Long trên Quốc lộ 1, được khởi công vào ngày 25/9/2004. Sau 6 năm rưỡi xây dựng, cầu khánh thành và đưa vào khai thác tháng 4/2010, rút ngắn thời gian hành trình từ TP. HCM đi Cần Thơ (180km) từ 6 tiếng (tính cả thời gian đợi phà) xuống còn hơn 3 tiếng đồng hồ.
Nếu như cầu Rạch Miễu xóa đi thế cách trở của tỉnh Bến Tre về hướng Đông Bắc, kết nối với tỉnh Tiền Giang, Long An, TP. HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cầu Cổ Chiên đã xóa thế cô lập vĩnh viễn về hướng Tây Nam của Bến Tre. Không những vậy, cầu Cổ Chiên còn là 1 trong 4 cầu lớn trên Quốc lộ 60 (bao gồm Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi) và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến quốc lộ hành lang duyên hải phía Đông ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng).
Cầu Cổ Chiên do Việt Nam thiết kế và xây dựng, là cây cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng, dài 1.590m, được khởi công vào tháng 3/2011 và khánh thành tháng 5/2015. Cầu Cổ Chiên được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy thực hiện chiến lược hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông.
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu nối liền TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp - Một vựa thóc của ĐBSCL. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013 và khánh thành, thông xe vào 5/2019. Cầu được thiết kế với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km/h với bề rộng mặt cầu 24.5m. Đây là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, cũng là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ 48km về phía thượng lưu.
Những công trình giao thông trọng điểm thời gian qua được hình thành là cú huých để 13 tỉnh, thành ĐBSCL có thêm động lực, điều kiện để bứt tốc, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng. Cùng với những bài toán đang được giải về lúa gạo, con cá tra, trái cây… ở cấp độ vỹ mô và ở từng địa phương, hệ thống giao thông bộ hoàn thiện hứa hẹn đưa ĐBSCL ngày càng thịnh vượng hơn.