Ưu tiên nguồn lực tài chính bảo vệ sông Nhuệ – Đáy
Môi trường - Ngày đăng : 09:59, 31/10/2019
Đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng
Triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; phân vùng môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; điều tra, thống kê các nguồn thải trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; khảo sát, đánh giá các điểm nóng ô nhiễm liên vùng liên tỉnh; khảo sát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các lưu vực sông liên tỉnh.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã phối hợp với Sở TN&MT TP. Hà Nội triển khai Dự án thí điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Nhuệ tại 2 thôn Phú Hà và Phú Thứ - Từ Liêm với công suất 400 m3/ngày đêm; xây dựng Trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ với công suất 1.500 - 2.000 m3/ngày đêm. Bộ TN&MT cũng phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam xây dựng và đi vào vận hành 4 trạm quan trắc tự động thuộc Dự án “Quản lý ô nhiễm môi trường các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”. Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 đã được các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy triển khai sâu rộng, ưu tiên đầu tư nguồn lực xử lý các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có 4 dự án được đầu tư xử lý ô nhiễm.
Các vấn đề môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã được giải quyết và có bước chuyển biến tích cực. Ảnh: MH |
Nhiều chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường cũng được triển khai. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2018 kinh phí dành cho các dự án cải tạo lưu vực sông Nhuệ - Đáy là hơn 38.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: Xử lý rác thải, nâng cấp, gia cố tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông, đầu tư các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước chống ngập úng và kết hợp sản xuất nông nghiệp, Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; ngăn mặn, giữ ngọt và ứng phó với tác động và ứng phó với tác động nước biển dâng; xử lý chất thải bệnh viện; quản lý và xử lý chất thải rắn; trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ…
Địa phương đồng lòng
Cùng với Bộ TN&MT, 5 địa phương trên lưu vực sông là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản tập trung vào xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Cụ thể, TP. Hà Nội đã khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước sông Nhuệ - Đáy (đoạn chảy qua địa phận Hà Nội); lắp đặt 2 Trạm Quan trắc tự động môi trường đối với sông Nhuệ (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và sông Đáy (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Cụm công trình tiếp nước”, các dự án làm sạch và thu gom, nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy.
Tỉnh Hòa Bình cải tạo nạo vét, cải tạo hệ thống thủy lợi liên quan đến sông Nhuệ - Đáy như: Dự án hồ Ngành, xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn; Dự án xây dựng hồ Tiên Hội, xã Tân Thành, huyện Lương Sơn; Nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn; Dự án xử lý cấp bách chống hạn, kè chống sạt lở, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Bôi, tỉnh Hòa Bình…
Đến nay, lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã có 46/50 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 92%; 3/50 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 6%; còn lại 1/50 cơ sở chưa hoàn thành hoặc đang triển khai xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 2%; 16/18 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 88,88%); 2 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 4%) theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. |
Với những nỗ lực nêu trên, các vấn đề môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã được giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ và có bước chuyển biến tích cực. Tuy vậy, hầu hết các địa phương đều cho rằng, bảo vệ môi trường lưu vực sông còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương đều thấp. Trong khi đó, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị; quy hoạch và xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải bệnh viện; cải tạo những đoạn sông bị ô nhiễm nặng, nạo vét, khơi dòng những đoạn sông quan trọng, kè bờ những đoạn sông xung yếu… đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.
Việc này cần huy động kinh phí không chỉ là kinh phí sự nghiệp môi trường mà còn là kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội hóa, trong dân cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường nêu trên.