Sức hút đô thị

Xã hội - Ngày đăng : 09:44, 31/10/2019

(TN&MT) - Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, đang diễn ra một quá trình di cư mạnh mẽ vào các vùng đô thị. Sự tăng trưởng của vùng kinh tế phi chính thức và dịch vụ tiếp tục cung cấp thêm việc làm cho những người lao động nhập cư.

Tuy vậy, sự tập trung quá đông dân cư ở một số thành phố trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá tải ở Việt Nam. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi vẫn có một bộ phận không nhỏ dân cư đô thị không có điều kiện tiếp cận với các tiện nghi cơ bản như:

nhà vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh... (từ 0,5% đến 6% hộ ở các khu vực đô thị chưa được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, từ 0,3% đến 5,1% hộ ở các khu vực đô thị thậm chí không có nhà vệ sinh để sử dụng). Hơn nữa, ngay cả trong những đô thị phát triển nhất như thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng cư dân đông đúc và nhà ở chật hẹp đã dẫn đến một tỷ lệ chung đụng cao về nơi cư trú…

Ảnh minh họa

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, tự nhiên đối với mọi quốc gia. Tuy vậy, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch khoa học sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn của một số trung tâm đô thị thuộc tỉnh, chia sẻ sức hút nhập cư vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự đầu tư này cũng nên chú trọng đến việc nâng cao phúc lợi và cơ hội cho cư dân đô thị ở các tỉnh, giảm bớt sự bất bình đẳng đang tồn tại giữa các trung tâm đô thị ở Việt Nam. Sức hấp dẫn của các thành phố trực thuộc tỉnh chỉ có thể cân bằng với hai thành phố lớn nếu như các chính sách dân số và đô thị hóa là cấu thành cơ bản của chiến lược phát triển chung, gắn kết hữu cơ với bối cảnh kinh tế vĩ mô và được triển khai thực hiện hài hòa với các chính sách phát triển và phúc lợi xã hội khác ở nông thôn.

Xây dựng đô thị an toàn và bền vững đồng nghĩa với việc đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận nhà ở an toàn với giá cả phải chăng và nâng cấp các khu ổ chuột. Vấn đề này cũng bao gồm đầu tư vào giao thông công cộng, tạo không gian công cộng xanh, cải thiện quy hoạch và quản lý đô thị với sự tham gia của người dân và tạo hòa nhập xã hội.

Theo các chuyên gia, một thành phố phát triển bền vững là nơi có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ bền vững bằng cách tối đa hóa nguồn thu hiện có và xác định những tiềm năng mới, bằng cách tận dụng các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân và bằng cách mời tài trợ để hỗ trợ sự phát triển của các sáng kiến phát triển bền vững.

Để duy trì và củng cố động lực mà đô thị hóa đã tạo ra, việc xây dựng chính sách và đầu tư hợp lý có vai trò rất quan trọng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị là một cơ chế cơ bản để tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, tạo ra các cơ hội kinh doanh và việc làm mới, nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống đô thị. Nó cũng đem lại cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho các đô thị, kích thích sự đổi mới đô thị và góp phần giúp các đô thị bỏ qua công nghệ lạc hậu và chuyển sang một môi trường hiệu quả hơn về nguồn lực.

Di cư và đô thị hóa có những đóng góp rõ rệt cho tăng trưởng và phát triển ở một số khu vực mà chủ yếu là các thành phố lớn và những nơi đến chủ yếu của di cư. Đồng thời, các bằng chứng hiện có cho thấy di cư và đô thị hóa cũng góp phần gia tăng khoảng cách giữa nơi đi và nơi đến, giữa nông thôn và thành thị và giữa các vùng. Bởi vậy, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cần vươn xa hơn các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xem xét cẩn trọng các vấn đề phức tạp hơn của phát triển kinh tế - xã hội.

Ngọc Lý