Thành phố Hà Tĩnh cần quyết liệt trong thực hiện phân loại rác tại nguồn
Môi trường - Ngày đăng : 09:03, 31/10/2019
Thực hiện chưa triệt để dẫn đến kém hiệu quả
Nằm trong đề án “Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của thành phố Hà Tĩnh, vừa qua, địa phương này đã triển khai thực hiện thí điểm phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình nhằm giảm lượng rác phát sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.
Công nhân Công ty CP Môi trường và Đô thị Hà Tĩnh thực hiện thu gom rác thải tại hộ gia đình |
Theo đó, sau hơn một tháng triển khai thí điểm tại bốn phường ở trung tâm của thành phố Hà Tĩnh, gồm: Nam Hà, Bắc Hà, Tân Giang, Trần Phú, quá trình thực hiện đã gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn cần có những giải pháp quyết liệt. Kết quả đã nói lên điều này, trên tổng số 8.458 hộ dân thuộc bốn phường thì chỉ có 2385 hộ dân thực hiện (đạt 28,20% ).
Cụ thể, phường Nam Hà có tỷ lệ hộ dân thực hiện đạt thấp nhất với 17,47% trên tổng số 1.998 hộ dân; Phường Trần Phú đạt tỷ lệ cao nhất với 39,85% trên tổng số 1.950 hộ dân; Phường Tân Giang đạt tỷ lệ 22, 48% trên tổng số 1.717 hộ dân; Phường Bắc Hà đạt 31, 26 trên tổng số 2.793 hộ dân.
Nắm bắt thực trạng này, Phóng viên Báo TN&MT đã tìm hiểu và được người dân phản ánh: Bên cạnh những gia đình nghiêm túc chấp hành thì còn nhiều hộ vẫn đang ảnh hưởng lớn do thói quen, chưa chịu thay đổi. Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng dụng cụ phân loại rác được cấp phát quá nhỏ so với nhu cầu thực tế, không chứa hết lượng rác phát sinh tại hộ và còn nhiều nghi vấn khi tập kết trung chuyển thì có phân loại hay lại cho vào một chổ ?.
Thành phố Hà Tĩnh đã phát hơn 16.000 giỏ phân loại rác thải cho người dân và phát tài liệu, hướng dẫn cách phân loại rác thải trong quá trình sinh hoạt |
Được biết, để triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại bốn phường thí điểm, thành phố Hà Tĩnh đã phát hơn 16.000 giỏ phân loại rác thải cho người dân, đồng thời cán bộ tại tổ dân phố phát tài liệu, hướng dẫn cách phân loại rác thải trong quá trình sinh hoạt. Theo đó, mỗi hộ gia đình được phát 2 giỏ rác: giỏ màu xanh đựng rác dễ phân hủy, giỏ màu vàng dành cho các loại rác khó phân hủy.
Mặc dù vậy, đơn vị thực hiện thu gom là Công ty CP Môi trường và Đô thị Hà Tĩnh cho rằng việc phân loại hiện nay chưa triệt để dẫn đến khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển nên không phát huy được hiệu quả của công tác phân loại. Các hộ thường sử dụng túi bóng đựng các loại rác bên ngoài (các hộ gia đình sử dung túi bóng bọc bên ngoài các loại rác chứ không bỏ trực tiếp rác thải vào thùng rác); còn tại các phòng trọ, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị có khối lượng rác lớn như Chợ Thành phố, Chợ Bắc Hà, Vincom, BMC, … thì tỷ lệ phân loại rác còn rất thấp, hầu hết chưa phân loại.
Áp dụng chế tài để xử lý
Liên quan đến thắc mắc người dân, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh Nguyễn Duy Bằng khẳng định: Về công tác thu gom Công ty đã thực hiện đúng quy định, nhưng khi người dân nhìn vào lại có ý kiến là Công ty đổ lộn rác của hộ gia đình có phân loại và không phân loại vào nhau.
Nhiều hộ dân vẫn chưa thay đổi thói quen phân loại rác tại hộ gia đình, thậm chí có những hành vi phó mặc, thiếu ý thưcs bảo vệ môi trường |
“Khi thu gom rác, hộ gia đình A đã phân loại, rác sẽ được công nhân thu gom và để vào 2 nơi riêng biệt (rác nhóm 1 được để vào thùng xe điện, rác nhóm 2 để vào túi chứa phía sau thùng xe). Tuy nhiên, khi đến hộ gia đình B không phân loại rác thì rác của hộ gia đình B cũng được đổ vào thùng xe (do rác chứa hữu cơ lẫn lộn nên phải để vào thùng xe)”, ông Bằng giải thích đây là lý do mà người dân đang đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Duy Bằng thì một mình Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh nỗ lực là chưa đủ mà cần phải được thực hiện một cách triệt để, rác thải phải được phân loại ngay từ nguồn. Bên cạnh, yếu tố quyết định là ý thức chấp hành chủ trương, phối hợp, chia sẽ từ phía người dân phải được thực hiện đồng bộ thì mới đạt mục tiêu đặt ra.
Công nhân thu gom rác thải theo dõi hộ dân không chấp hành để tổng hợp, báo cáo chính quyền địa phương có giải pháp xử lý |
Giải quyết vấn đề này, theo ông Bằng cần có sự tham gia quyết liệt từ các cấp chính quyền, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải. Đặc biệt, đó là phải tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiên, ngoài ra cần có những chế tài nghiêm đối với những hộ dân không tuân thủ. Việc xử lý thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Ông Hồ Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh để có giải pháp. Cụ thể, công nhân khi trực tiếp thu gom phải kèm danh sách, nếu trường hợp hộ dân nào không thực hiện phân loại thì không nhận rác. Yêu cầu thực hiện nghiêm túc, mười ngày gửi báo cáo kết quả về địa phương một lần, trên cơ sở đó để xử lý”.
UBND thành phố Hà Tĩnh cần khảo sát, quy hoạch, xây dựng các điểm ép rác, trung chuyển rác thải trên địa bàn để công tác ép rác, trung chuyển rác được ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường. |
Nhiều trường hợp trên địa bàn không chấp hành, chính quyền phường Trần Phú đã bắt đầu cử lực lượng đến trực tiếp nhắc nhỡ vì lần đầu, người dân sau đó đã thay đổi ý thức chấp. Được biết, phường Trần Phú hiện có 1950 hộ dân, 243 phòng trọ và 47 cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn. Đây là địa phương đạt tỷ lệ hộ dân thực hiện cao nhất so với những phường đang triển khai thí điểm phân loại rác của thành phố Hà Tĩnh.
Ông Trương Quang Long- Trưởng phòng TN&MT thành phố Hà Tĩnh cho biết: Việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là một chủ trương đúng đắn cần phải được đẩy mạnh. Đặc biệt, đối với đô thị loại II như thành phố Hà Tình lại càng có ý nghĩa rất quan trọng. Trung bình mỗi tháng trên địa bàn phát sinh trên ba nghìn tấn rác thải các loại, do đó việc phân loại sẽ giảm áp lực cho công tác thu gom, xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.