Điện Biên: Phát triển gạch không nung cần hướng đến thị trường tiêu thụ
Kinh tế - Ngày đăng : 21:19, 30/10/2019
Ông Bùi Văn Luyện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: Sở Xây dựng đã phối hợp với Viện Vật liệu - Bộ Xây dựng lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 07/4/2014, làm cơ sở cho công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn, trong đó có nội dung về phát triển và các chính sách khuyến khích đầu tư vật liệu xây dựng không nung.
Tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh đầu tư sản xuất gạch không nung, hướng đến đóng cửa các lò gạch nung trên địa bàn. |
Tính đến nay, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, đồng bộ, sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu, với tổng công suất thiết kế trên 100 triệu viên/năm. Trong đó, có 5 đơn vị được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư, các đơn vị còn lại đang hoàn thiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Sản phẩm gạch không nung của các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định của TCVN 6447:2016.
Theo Kế hoạch số 2761/KH-UBND, ngày 31/7/2014 của UBND tỉnh Điện Biên về triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020, địa phương này sẽ sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt 81%. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các huyện, thị xã phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung từ 50% trở lên.
Việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng có rất nhiều ưu thế, đặc biệt là thân thiện với môi trường. |
Theo báo cáo của Sở xây dựng tỉnh Điện Biên, qua công tác kiểm tra lĩnh vực hoạt động xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã năm 2018-2019, tất cả các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách sử dụng 100% gạch xây không nung cốt liệu theo quy định. Tuy nhiên, một số công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước có sử dụng gạch không nung nhưng vẫn còn hiện tượng trà trộn gạch không đủ tiêu chuẩn đưa vào xây dựng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có 5 cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Ngoài các đơn vị tham gia đầu tư dây chuyền, công nghệ đảm bảo theo yêu cầu, còn có một số hộ gia đình trên địa bàn huyện đầu tư máy móc thiết bị thủ công hoặc bán thủ công để sản xuất gạch Pa Panh sử dụng làm tường rào hoặc làm các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi… Vì lý do thị trường tiêu thụ, trước mắt, sản phẩm gạch không nung của 5 cơ sở này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và các công trình xây dựng của Nhà nước nên huyện Tuần Giáo không khuyến khích phát triển thêm các cơ sở sản xuất gạch không nung khác.
Nhu cầu sử dụng gạch đất nung còn nhiều là một trong những nguyên nhân cản trở gạch không nung tiếp cận thị trường tiêu thụ. |
Thực tế cho thấy, việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng có rất nhiều ưu thế như thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí xây dựng và đặc biệt là gạch không nung có cường độ chịu lực tốt. Chính vì vậy, tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng đầu tư xây dựng cũng như có kế hoạch chuyển đổi sản xuất gạch đất nung sang đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung.
Cũng theo ông Bùi Văn Luyện, việc phát triển gạch không nung trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các thủ tục hành chính trong việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư đang còn nhiều khó khăn về vị trí địa điểm, chính sách ưu đãi đầu tư... Thời gian cấp phép thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng khoáng sản theo Luật Khoáng sản kéo dài ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. Công tác kiểm soát chất lượng gạch không nung của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng nhưng việc sử dụng gạch đất nung vẫn đang còn trong tiềm thức của người dân, nhu cầu sử dụng gạch đất nung vẫn còn rất lớn là một trong những nguyên nhân cản trở gạch không nung tiếp cận thị trường tiêu thụ.