Phú Yên: Nhanh chóng di dời người dân tại vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Thời sự - Ngày đăng : 20:29, 30/10/2019

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương chỉ đạo khẩn trương tập trung sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11 biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi Phú Yên có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển dâng do bão cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh. Từ chiều 30/10, khu vực tỉnh Phú Yên sẽ có gió bão mạnh cấp 6- cấp 7, sau tăng lên cấp 7- cấp 8, giật cấp 10 và có mưa rất to (tổng lượng mưa 200-400mm/đợt). Từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, các sông suối trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ đạt mức báo động II-III, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất các huyện Đông Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Tuy An và ngập úng ở vùng trũng thấp trên địa bàn các huyện Tuy An, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 5 tại thị xã Sông Cầu, nơi dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào trong đêm 30/10

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Tuy Hòa khẩn trương tập trung sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá

Chiều ngày 30/10, UBND Tp. Tuy Hòa đã chủ động di dời trên 400 hộ dân với khoảng 1.400 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đó là các hộ dân ở khu vực phường 6, phường Phú Đông và xã An Phú, nơi thường xuyên bị uy hiếp bởi triều cường mỗi khi có mưa lớn. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường vận động người chăn nuôi đưa vật nuôi lên cao.

Tại TX. Sông Cầu hiện có 3.070 hộ nuôi trồng thủy sản với số lượng hơn 1.860 bè nổi, hơn 77.000 lồng tôm hùm thịt, khoảng 23.830 lồng tôm hùm ươm và 5.795 lồng nuôi các biển. Tổng số ngư dân trên các bè nuôi thủy sản ở TX. Sông Cầu khoảng 2.920 người, đến trưa 30/10 còn lại 47 người nên các địa phương tiếp tục vận động các ngư dân này vào bờ trước 14 giờ, nếu không thì thực hiện cưỡng chế đưa vào bờ.

837 hộ với 2.924 nhân khẩu ở các khu vực nguy cơ ảnh hưởng triều cường, vùng ven biển, ven sông và vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất. Đến trưa ngày 30/10, các địa phương đã di dời khoảng một nửa số hộ trên đến nơi an toàn và tiếp tục di dời các hộ dân còn lại, hoàn thành trước khi bão vào đất liền. TX. Sông Cầu đã thực hiện lệnh cấm biển, không cho tất cả tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy hải sản. Đến trưa cùng ngày, tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào các khu neo đậu như Vũng Chào, Vịnh Hòa, Phú Vĩnh, Mỹ Thành, Trung Trinh, đầm Cù Mông để tránh trú bão an toàn; còn 18 tàu cá với 89 ngư dân hoạt động gần bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đang trên đường vào bờ tìm nơi tránh trú.

Tàu tránh trú bão neo đậu tại Cảng cá Đông Tác

Tại huyện Tuy An, tính đến 15 giờ 30/10, các xã An Chấn, An Mỹ, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư và thị trấn Chí Thạnh đã di dời 298 hộ với 939 người dân vùng trũng thấp, sạt lở và ảnh hưởng triều cường. Huyện Tuy An có 1.033 tàu thuyền, hầu hết đã vào nơi tránh trú tại các cảng cá Tiên Châu, cửa Lễ Thịnh (Tuy An), cảng Dân Phước (TX Sông Cầu), cảng cá Phú Lạc, cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa); có 12 tàu với 68 lao động đánh bắt xa bờ: trong đó 7 tàu với 41 lao động đang neo đậu trú bão ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, 5 tàu đã cập cảng Cà Ná (Ninh Thuận) neo đậu vào nơi an toàn; toàn huyện có 380 lồng, bè nuôi thủy sản, hiện chính quyền địa phương đã hướng dẫn, vận động bà con thả sâu sát đáy.

Ngư dân làng chài Xuân Hải, TX. Sông Cầu vào bờ tránh trú bão số 5

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có công điện chỉ đạo thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5 dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Phú Yên. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu, căn cứ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và tình hình thực tế có biện pháp quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi.

Người dân huyện Tuy An gia cố nhà cửa chống bão

Đồng thời, rà soát, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn. Khẩn trương tập trung sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, các địa phương: Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Tuy Hòa kiên quyết di dời, sơ tán người dân trước 14 giờ ngày 30/10/2019 và lãnh đạo các địa phương chịu tránh nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu thiệt hại xảy ra.

Các địa phương khẩn trương chủ động triển khai phương án phòng chống ngập úng sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; phương án bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Mỹ Bình