Khuất tất Công ty Bảo Long:  Nhiều vi phạm của các doanh nghiệp liên quan

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:49, 30/10/2019

(TN&MT) - Tàu chở than Nam Vĩ 79 không chứng minh được nguồn hàng hợp pháp, đã vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính và bị tịch thu toàn hộ hàng trên tàu. Người cố tình vi phạm chính là ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh và dịch vụ Bảo Long.

Sản xuất kinh doanh khi chưa đủ điều kiện

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, việc kinh doanh than hiện nay có nhiều hạng mục quy định về thủ tục hành chính được nới lỏng, chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tham gia thị trường kinh doanh than được cho là béo bở này. Lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý đất đai, tài nguyên, không kiểm tra sát sao việc kinh doanh của cơ quan chức năng, hàng chục doanh nghiệp kinh doanh than ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã mọc lên. Trong đó có Công ty Cổ phần Sản Xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long (Công ty Bảo Long).

Công ty TNV Hải Dương ở xã Tân Dân, Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Điển hình của những thủ đoạn tinh vi trong đường dây làm ăn vi phạm là vụ tàu Nam Vỹ 79 chở 2.552 tấn than của Công ty Bảo Long, ngày 16-6-2019, trên vùng biển Thừa Thiên-Huế, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã kiểm tra, phát hiện hàng hóa trên tàu không chứng minh rõ nguồn gốc hợp pháp nên xử phạt hành chính 60 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa trên tàu. Khi kiểm tra tàu Nam Vỹ 79 không có thuyền trưởng. Thuyền phó Đỗ Văn Sơn, sinh năm 1987 làm đại diện. Tuy nhiên, Đỗ Văn Sơn không có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận thuyền trưởng hạng nhất.

Phóng viên Báo TN&MT làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thu thập tài liệu.

Trong thương vụ làm ăn này, khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, có 2 doanh nghiệp liên quan đến việc mua bán, vận chuyển than cho Công ty Bảo Long. Đó là Công ty Cổ phần xây dựng, kinh doanh khoáng sản, Dịch vụ cảng TNV – Hải Dương (Công ty TNV Hải Dương) do ông Hoàng Nam Hải làm Giám đốc, có địa chỉ tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã bán cho Công ty Bảo Long 5.427 tấn than cám hỗn hợp. Theo nội dung ghi trong hợp đồng hai bên, số than này được chở từ cảng 10/10 Cẩm Phả, Quảng Ninh về cảng của Công ty Bảo Long. Lượng hàng trên được Công ty TNV Hải Dương thuê Công ty TNHH Phạm Trường HD, có địa chỉ tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương do ông Phạm Văn Chiến làm giám đốc. Tuy nhiên, qua điều tra của Cảnh sát biển Việt Nam, toàn bộ số hàng trên không hề có, không có sự vận tải hàng từ cảng 10/10 Cẩm Phả về Công ty Bảo Long theo hợp đồng.

Phóng viên Báo TN&M đã về làm việc với UBND xã Duy Tân (huyện Kinh Môn), Chủ tịch UBND xã Trần Hồng Túc cho biết: Công ty chưa được cấp có thẩm quyền giao đất; chưa có quyết định xây dựng bến thủy nội địa, chưa có quyết định về việc sử dụng bãi sông của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cấp; Công ty chưa có đánh giá tác động môi trường… Còn thiếu thủ tục pháp lý chưa thể sơ chế và kinh doanh than. Công ty TNV Hải Dương mới chỉ có Quyết định chủ trương đầu tư số 4735/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ngày 19-12-2018 về Dự án bến thủy nội địa và sơ chế kinh doanh than.

Ông Trần Hồng Túc thông tin: Năm 2018, Công ty TNV-Hải Dương mua lại đất bãi sông rộng 9.000 m2 từ Công ty TNHH Nam Vĩ Anh, do ông Nguyễn Tuấn Hưng, sinh năm 1976 quê quán Hải Phòng làm Giám đốc. Ông Hoàng Nam Hải thông tin cho chính quyền là doanh nghiệp chưa hoạt động, đang hoàn thiện thủ tục pháp lý nên chưa  sản xuất kinh doanh. Thế nhưng ngày 01-11-2018, Công ty TNV Hải Dương lại có hợp đồng bán 5.427 tấn than cám hỗn hợp cho Công ty Bảo Long. Đây là việc làm không hợp pháp của Công ty TNV Hải Dương.

àu Nam Vỹ 79 và hàng hóa trên tàu ở vùng biển Thừa Thiên- Huế.

Còn Công ty Phạm Trường HD lấy địa chỉ ở thôn Châu Xá trong xã để đăng ký kinh doanh vận tải, nhưng công ty này không hề có trụ sở, bến tàu. Xã Duy Tân không hề biết sự hoạt động của doanh nghiệp này. Vì vậy, các hoạt động của doanh nghiệp này không hợp pháp - Ông Trần Hồng Túc, Chủ tịch UBND xã Tân Dân chia sẻ.

Phóng viên Báo TN&MT tiếp tục làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương. Lãnh đạo Sở cho biết: Công ty Bảo Long, Công ty TNV Hải Dương, Công ty Phạm Trường HD vẫn còn thiếu nhiều thủ tục pháp lý trong hoạt động doanh nghiệp. Như vậy việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ của ba doanh nghiệp là chưa hợp pháp.

Sai phạm có hệ thống

Vẫn là chuyện kinh doanh than, trước đó, năm 2016, 2017 có 3 vụ việc sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Văn Khoa (Giám đốc Công ty Bảo Long hiện nay). Vụ việc thứ nhất, ngày 06-01-2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ra Quyết định xử phạt hành chính đố với Công ty TNHH Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long (địa chỉ tại số 18, phố Phú Thọ, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về hành vi mua bán hàng hóa không có giấy tờ chúng minh tính hợp pháp. Khi đó ông Nguyễn Văn Khoa làm Phó Giám đốc, được Giám đốc ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động của công ty.

 

Cùng một hóa đơn, mã số hóa đơn trùng nhau, nhưng giá trị mua hàng giữa liên 1 và liên 2 chênh lệch  nhiều tỷ đồng, dấu hiệu trốn rất nhiều tiền thuế. 

Vụ việc thứ hai, ngày 10-01-2017, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông báo cho Cảnh sát biển và đề nghị phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến việc: ngày 08-01-2017, trên tuyến sông Đá Bạch, xã Gia Minh, huyện Thủy nguyên, Hải Phòng, Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, bắt giữ phương tiện LP-16 (BKS HP-3959) chở khoảng 1.450 tấn than cám thuộc sở hữu của Công ty TNHH Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long.

Quá trình điều tra, xác minh, lực lượng Cảnh sát giao thông thấy bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa trên tàu LP-16 (BKS HP-3959) giống hoàn toàn với bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc lô hàng trên tàu HP-4023 mà Cảnh sát biển đã xử phạt, tịch thu vào ngày vào ngày 06-01-2017. Sau đó Cục Cảnh sát giao thông đã xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ lô hàng đó.

Cơ quan cảnh sát tỉnh Hải Dương cần vào cuộc điều tra làm rõ dấu hiệu trốn thuế của doanh nghiệp.

Vụ việc thứ ba, ngày 18-11-2016, Công ty TNHH Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long đã bán cho Công ty TNHH Một thành viên Việt Tân (tại tỉnh Đắc Lắk) 1.950 tấn than cám qua chế biến với số tiền 2.209.485.960 đồng. Cùng một hóa đơn bán hàng, liên 2 ghi bán cho công ty TNHH Một thành viên Việt Tâm 1.950 tấn than với số tiền 2.209.485.960 đồng, song liên 1 hóa đơn (lưu lại công ty) ghi bán cho người khác với số lượng 04 tấn xít than, với số tiền 1.100.000 đồng.

Từ những phi vụ làm ăn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nêu trên, điều đó chứng tỏ Công ty TNHH Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long do ông Nguyễn Văn Khoa điều hành có dấu hiệu trốn hơn 200 triệu tiền thuế (trong 1 vụ giao dịch với 1 tờ hóa đơn). Đây mới chỉ là 4 lần vi phạm bị phát hiện trong nhiều thương vụ làm ăn của ông Khoa.

Từ các vụ việc trên và việc vi phạm trên tàu Nam Vỹ 79 có thể thấy ông Nguyễn Văn Khoa cùng 2 doanh nghiệp do ông làm lãnh đạo (Công ty Bảo Long và  Công ty TNHH Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long) đã có dấu hiệu vi phạm có tổ chức, hoạt động kinh doanh gian dối để đối phó với cơ quan chức năng như: có các hành vi dùng 1 bộ hồ sơ, hóa đơn, chứng từ để quay vòng, hợp pháp hóa cho nhiều chuyến hàng có biểu hiện nhằm trốn thuế; dùng 1 hóa đơn ghi hai liên khác nhau; dùng hồ sơ, hợp đồng, giấy tờ để hợp pháp hóa những lô hàng không rõ nguồn gốc...

Làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Trung tá Nguyễn Giang Đông, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Điều tra Xử lý (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật) cho biết: Những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Bảo Long và Giám đốc Nguyễn Văn Khoa, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; Văn phòng Thường trực 389 Quốc Gia; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, Cục thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, UBND huyện Kinh Môn… đề nghị làm rõ những sai phạm của Công ty Bảo Long và cá nhân giám đốc Nguyễn Văn Khoa; Công ty TNV Hải Dương, Công ty TNHH Phạm Trường HD.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.      

Trần Tuấn - Xuân Vũ