Nam Định: Nỗi lo “hà bá” “nuốt” đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:38, 30/10/2019
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Đình Được – Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị cho biết: Tình trạng sạt lở đất bãi bồi ven sông Đáy diễn ra trên địa bàn gần chục năm nay, đặc biệt là sau khi hàng loạt cảng thuỷ dọc đê hữu Đáy thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình mọc lên thì tình trạng sạt lở có phần diễn ra nhanh và mạnh hơn trước.
Tình trạng sạt lở bờ sông ở xã Yên Trị đã "ăn" sâu vào chừng 30 m và kéo dài trên 1.000 m |
Theo ước tính của xã thì đến thời điểm hiện tại tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào đất bãi bồi ven sông là 30 m và kéo dài khoảng 1.000 m dọc sông. Phần diện tích này trước kia là đất ruộng cấy, giờ đã mất hoàn toàn, thậm chí có điểm sạt lở sâu vào chân đê bối. Chính quyền địa phương phải huy động mọi nguồn lực để kè lại một đoạn nhỏ nhằm giảm thiểu sạt lở và đặc biệt là bảo vệ 3.500 hộ dân với trên 10.000 người của xã nằm ngoài đê, còn lại các đoạn sạt lở khác thì vẫn chưa có kinh phí để xử lý, ông Được chia sẻ thêm.
Theo quan sát của PV, khu vực dọc sông Đáy thôn Ngọc Chấn các điểm sạt lở kéo dài, ăn sâu vào đất bãi bồi, nhiều vị trí xuất hiện những hàm ếch vô cùng nguy hiểm, đặc biệt có đoạn sông “ăn” sâu gần như vào đến khu vực ao nuôi thuỷ sản của người dân. Một số điểm người dân phải cắm cọc tre để giữ đất nhưng tình trạng cũng không khả quan là bao.
Nhiều đoạn sạt lở người dân phải cắm cọc tre để hạn chế bị mất đất |
Bà Trần Thị Hòa ở thôn Ngọc Chấn không giấu nổi lo lắng: Trước kia người dân chúng tôi thoải mái canh tác, sản xuất trên cả vùng bãi bồi này, trồng lúa hay trồng hoa màu đều cho năng suất khá cao, thế nhưng gần chục năm nay chúng tôi không thể sản xuất được nữa vì đất bãi bồi đã bị trôi theo dòng nước. Cứ mỗi mùa mưa bão là người dân chúng tôi vô cùng lo lắng, bất an. Khu vực bị sạt lở nhiều nhất là thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị.
Nhiều người dân ở đây cho rằng sau khi hàng loạt cảng thuỷ ở bờ hữu sông Đáy thuộc huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đi vào hoạt động thì quá trình sạt lở diễn ra nhanh hơn vì dòng chảy bị thay đổi.
Một đoạn ngắn đê bối bị xói lở vào chân đê vừa mới được chính quyền địa phương kè, gia cố lại để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão |
Bà Trịnh Thị Kim Tình – Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị bị xói lở bờ sông rất nhiều, đặc biệt là phía sau ngôi chùa lâu đời Ngọc Chấn đã tạo ra hàng loạt hàm ếch, ăn sâu vào đất phía sau chùa. Chỗ đê bối khu vực đối diện cảng thì bị nước khoét sâu vào tận chân, trước tình trạng này thì năm 2017 địa phương cũng phải khẩn cấp kè lại một đoạn ngắn đồng thời kiên cố hoá mặt đê để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong mùa mưa bão. Tuy nhiên để kè lại toàn bộ đoạn bị sạt lở thì vẫn chưa thể làm được vì kinh phí rất cao.