Bình Định, Phú Yên ứng phó với cơn bão số 5

Thời sự - Ngày đăng : 14:16, 30/10/2019

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 5 đang di chuyển nhanh và khả năng mạnh thêm, tiến vào đất liền các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận. Trước tình hình chuyển biến phức tạp của cơn bão, tỉnh Bình Định và Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó

Tại tỉnh Bình Định hiện có 237 tàu/1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các đơn vị có liên quan và gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn thuyền trưởng di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm; chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Bình Định bố trí, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các cảng cá, bến cá, không để ngư dân ở lại trên tàu. Sở NN&PTNT cũng đã kiểm tra và triển khai phương án phòng chống lụt bão cho các công trình thủy lợi lớn, các đập, tràn trên sông.

Tuy vậy, hiện còn 500 ha lúa vụ mùa, 212 ha nuôi tôm trên cát, 2.784 lồng bè nuôi cá ở cửa biển Quy Nhơn và hồ Định Bình, chưa thu hoạch. Nhiều hồ chứa nước nhỏ thuộc diện xung yếu và không ít công trình xây dựng còn dở dang chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ lớn. Hàng chục ngàn hộ dân sinh sống ở vùng trũng thấp, vùng thường bị triều cường, sạt lở chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lũ.

Bình Định ứng phó với cơn bão số 5

Sáng 30/10, trao đổi với PV Báo TN&MT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: Nhận định bão lũ sẽ diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp phải chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão lũ.

Yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thông báo cho các sở, ngành, địa phương biết để chủ động chỉ đạo thực hiện các phương án ứng phó.

Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan cấm biển, không cho tàu thuyền của ngư dân ra khơi; kết nối liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm và kiểm soát tàu thuyền neo đậu tại các cảng cá, bến cá, không để ngư dân ở lại trên tàu khi xảy ra bão lũ.

Mặt khác, kiểm tra rà soát phương án phòng chống lụt bão các công trình thủy lợi lớn; tích trữ, điều tiết nước theo đúng quy trình đã được phê duyệt. 

Lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. 

Các địa phương nhanh chóng triển khai phương án PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai, bão lũ không để người dân chủ quan, xảy ra sự cố đáng tiếc. 

Hướng dẫn người dân bảo quản lúa giống, không để ngập nước hư hỏng, mất giống.

Sở GD&ĐT giao cho hiệu trưởng các trường học quyết định cho học sinh nghỉ học khi không đảm bảo an toàn.

Tại tỉnh Bình Định hiện có 237 tàu/1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm. 

Sáng 30/10, Sở GD&ĐT Bình Định có công văn khẩn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và Hiệu trưởng các trường về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 5.

Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị mầm non, phổ thông cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 30/10 đến hết ngày 31/10; báo cáo với chính quyền địa phương yêu cầu gia đình giữ con em ở nhà không cho đùa nghịch nước, chống sõng, vớt củi hoặc đi lại trên các tuyến giao thông có lũ tràn qua, tuyệt đối không đi qua những nơi nước sâu, chảy xiết. Nếu để có học sinh bị tai nạn do thiếu tránh nhiệm, các cấp quản lý giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật.

Tại tỉnh Phú Yên có 345 tàu cá/1.924  lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, trong đó 232 tàu cá/1.436 lao động hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1 và 113 tàu cá/506 lao động đang hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới bão số 5 trên biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng 675 ha diện tích nuôi thủy sản và hơn 91.000 lồng nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu ở các địa phương ven biển.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 675 ha diện tích nuôi thủy sản và hơn 91.000 lồng nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu ở các địa phương ven biển. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản ao, đìa cũng như nuôi thủy sản lồng bè vẫn còn nhiều, các địa phương chủ động vận động, di dời ngư dân trên các bè nuôi thủy sản vào bờ và triển khai các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khi bão vào.

Đối với các địa phương ven sông, chủ động di dời dân vùng trũng thấp đến nới an toàn tránh ngập lụt, nhất là di dời các hộ dân và gia súc chăn nuôi trên các lòng sông.

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 5.

Sáng 30/10, Sở GD-ĐT Phú Yên có công văn khẩn gửi các phòng GD-ĐT 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn khi bão số 5 trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực đất liền của tỉnh. Cho phép học sinh nghỉ học từ sáng 30/10 đến hết 31/10/2019.

Các đơn vị, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở, không tụ tập bạn bè đi xem nước lũ, nước lụt ở sông, suối, ao, hồ để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

Các trường có kế hoạch phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, có kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ học; chủ động báo cáo, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình giáo viên, học sinh bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai do cơn bão số 5 vào Phú Yên.

Mỹ Bình