Tiếp tục giám sát và đưa thông tin kịp thời diễn biến bão số 5
Thời sự - Ngày đăng : 11:20, 30/10/2019
Dự cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục BĐKH, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương.
Cuộc họp trực tuyến còn có sự tham dự của các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đài KTTV các tỉnh: Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Nhận định tình hình diễn biến bão số 5, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đây là cơn bão mạnh, ngoài mưa còn có gió mạnh đáng kể. Đề nghị từ 12h trưa nay sẽ cung cấp bản tin liên tục theo từng giờ để cung cấp cho các cơ quan phòng chống thiên tai.
Hiện nay, bão còn cách bờ khoảng 240-250km, bắt đầu từ đầu giờ chiều nay khu vực ven bờ các tỉnh miền Trung xuất hiện mưa. Có một dấu hiệu hay gặp phải là khi tâm bão đằng ngoài đã xuất hiện dông lốc, cần cảnh báo thêm thông tin này.
Theo ông Khiêm, về tình hình mưa chúng ta đã phân tích thông tin cụ thể và cung cấp cho các địa phương. Theo dấu hiệu dự báo chúng ta có thể có 3 giai đoạn, một là mưa do tác động của bão số 5 tập trung mưa lớn từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa; tiếp đến khi bão đi sâu vào đất liền và đi sang phía Lào lại có tác động của nhiễu động gió đông kết hợp với không khí lạnh gây mưa cho khu vực Bắc Trung Bộ, tập trung ở Thừa Thiên Huế - Thanh Hóa và có thể mở rộng ra Đà Nẵng, Quảng Nam (sau ngày 31/10). Tiếp đến đợt mưa thứ ba bắt đầu từ ngày 4-10/11.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại cuộc họp |
“Trong cảnh báo liên quan đến lũ quét, sạt lở đất đề nghị cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết cho các cơ quan phòng chống thiên tai địa phương và truyền để cảnh báo và chuẩn bị cho công tác phòng chống”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Trước đó, tiếp tục phân tích, thảo luận về đường đi, hướng di chuyển; đánh giá các tác động, ảnh hưởng của bão số 5... các chuyên gia dự báo thống nhất cho biết, lúc giờ hôm nay (30/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Các chuyên gia dự báo, đến 19 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90km/giờ), giật cấp 11-12.
Đường đi và vị trí bão số 5 cập nhật tại Bản tin lúc 9h ngày 30/10 của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11-12; biển động rất mạnh.
Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11-12, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh; ở Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Từ trưa và chiều nay (30/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10-11; Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7; Gia Lai, Đắc Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Nhận định về tình hình mưa, các chuyên gia cho hay, trong 02 ngày 30-31/10, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (Tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).
Cảnh báo, từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.
Toàn cảnh cuộc họp sáng 30/10 |
Với những phân tích, đánh giá của các chuyên gia về tình hình bão số 5, PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đánh giá, trong đợt này, Trung tâm Dự báo KTTV phát thông tin bão sớm; các đơn vị đưa bản tin bão tương đối kịp thời. Đặc biệt là bắt đầu các thông tin tuyên truyền trước khi có bản tin dự báo, cảnh báo. Đây là hướng đi rất tốt để xã hội, các cấp chính quyền chuẩn bị.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hồng Thái đề nghị, các đơn vị rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình để rút kinh nghiệm cho những cơn bão lần sau. Các Đài KTTV khu vực quan tâm, rà soát lại hiện trạng các trạm quan trắc đầu tư, nhất là các trạm đầu tư từ những dự án lớn, dự án quốc tế. Từ đó đưa ra đánh giá hoạt động và hiệu quả sử dụng.
“Đến thời điểm này, cả hệ thống đã vào cuộc. Đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tiếp tục giám sát thông tin, giữ vững vai trò là nhạc trưởng vận hành đưa thông tin kịp thời diễn biến bão số 5”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.