Hải Dương: Khuất tất Công ty Bảo Long

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 16:38, 29/10/2019

(TN&MT) - Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tháng 6/2019 đã bắt giữ tàu Nam Vỹ 79, xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng, tịch thu hơn 2.552 tấn than của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long (Công ty Bảo Long).

Doanh nghiệp “Làm xiếc” với cơ quan chức năng

Quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, hồi 1 giờ 15 phút, ngày 16/6/2019, trên vùng biển Thừa Thiên-Huế, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã kiểm tra tàu Nam Vỹ 79, mang số hiệu HP-3555, thuộc Công ty TNHH Thương mại Nam Vỹ, có địa chỉ ở Hồ Nam, Lê Chân, Hải Phòng. Tàu đang vận chuyển 2.548 tấn phụ phẩm than sau chế biến (theo hóa đơn ghi). Số hàng trên của Công ty Cổ phần Sản xuất - Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long (viết tắt là Công ty Bảo Long), có địa chỉ tại thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, xuất bán cho Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Lộc An (Công ty Lộc An), ở thôn Nam Trạch, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lực lượng Cảnh sát biển làm việc với người đại diện trên tàu Nam Vỹ 79.(ảnh cắt từ clip do Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp).

Điều đáng nói là, tại thời điểm kiểm tra tàu Nam Vĩ 79 (Ngày 16-6-2019), trên tàu không có thuyền trưởng, người đại diện trên tàu xuất trình giấy tờ, hóa đơn cho cơ quan chức năng nhưng có nhiều mâu thuẫn, khuất tất. Với hàng hóa trên tàu, hóa đơn GTGT số 0000182, ngày 12-6-2019 do Công ty Bảo Long xuất bán hàng và biên bản giao nhận cho Công ty Lộc An ghi tên hàng hóa ghi là “phụ phẩm sau chế biến”. Chứng thư giám định của Quacontrol theo yêu cầu của Công ty Bảo Long ghi tên mẫu hàng hóa là “xít nghiền” nhưng kết quả Cảnh sát biển đi giám định lại là “than cám”. Hợp đồng mua bán của Công ty Bảo Long với Công ty Lộc An ghi tên hàng hóa là “than các loại, than đá xít nghiền và phụ phẩm tận thu”. Kết quả giám định lại của Cảnh sát biển là “than cám 7C”. Phương án chế biến than cung cấp cho tàu Nam Vỹ 79 có số liệu thể hiện phi thực tế, bất hợp lý và không chính xác vì tổng lượng hàng hóa đưa vào chế biến là 3.777 tấn, số lượng hàng hóa sau chế biến là 5.239 tấn.

Tàu Nam Vỹ 79 chở hàng trên khu vực Thừa Thiên-Huế.

Như vậy, tại thời điểm kiểm tra, tàu Nam Vỹ 79 không xuất trình được những giấy tờ, tài liệu chứng minh được tính hợp pháp của số hàng trên tàu. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã quyết định tạm giữ phương tiện và hàng hóa để điều tra, xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

Khi xét thấy sự bất hợp lý về phương án chế biến than cung cấp cho tàu Nam Vĩ 79 đã cung cấp cho Cảnh sát biển, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Long đã tới làm việc và cung cấp cho Cảnh sát biển một phương án chế biến phụ phẩm trên tàu Nam Vỹ 79 (phương án mới). Trong đó, xác định lô phụ phẩm sau chế biến 2.548 tấn trên tàu Nam Vỹ 79 (theo hóa đơn GTGT số 0000182 ngày 12-6-2019) được lấy từ việc pha trộn 3 nguồn chế biến gồm: Thứ nhất, xít thải được lọc từ nguồn 2.656,91 tấn than cám 5a.3 mua của Công ty TNHH vận tải Trường Nguyên; thứ 2, than bùn 2B từ nguồn 1.120,95 tấn, mua của Công ty Cổ phần Hàng hải Việt Nam; thứ ba, đá xít, phụ phẩm được chế biến từ nguồn 5.427, 35 tấn than cám hỗn hợp mua của Công ty Cổ phần xây dựng, kinh doanh khoáng sản, Dịch vụ cảng TNV – Hải Dương (Công ty TNV Hải Dương) do ông Hoàng Nam Hải làm Giám đốc, có địa chỉ tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.

Dây chuyền chế biến than của Công ty Bảo Long tại Kinh Môn, Hải Dương.

Nguồn hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp mua của Công ty TNV Hải Dương được ông Nguyễn Văn Khoa thừa nhận diễn ra tại cảng của Công ty Bảo Long từ ngày 01/11/2018 đến 03/11/2018. Hai bên có hợp đồng kinh tế, thuế hóa đơn GTGT, phiếu xuất kho bán hàng. Than được lấy từ cảng 10/10 khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh. Lượng hàng trên được Công ty TNV Hải Dương thuê Công ty TNHH Phạm Trường HD, có địa chỉ tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn do ông Phạm Văn Chiến làm giám đốc chở trên 6 tàu về cảng của Công ty Bảo Long (6 phương tiện có số hiệu là BN-0737; BN-0766, BN-1639, BN-1618, HD-2257 và BN-1261). Các tàu trên chuyên chở có số lượng từng tàu, từng ngày chở.

Lộ ra than kinh doanh không rõ nguồn gốc

Tuy nhiên, kết quả xác minh của lực lượng Cảnh sát biển thông qua các chủ tàu cho biết các phương tiện không tham gia vận chuyển than về cảng Bảo Long trong khoảng thời gian từ 01/11 đến 03/11/2018. Qua điều tra, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, khu vực II, Cảng vụ Cống Câu (tổ Phú Thái), Cảng vụ ĐTNĐ Thái Nguyên, Bắc Ninh xác định 6 phương tiện không tham gia vận chuyển lô hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp từ cảng 10/10 Cẩm Phả-Quảng Ninh về Công ty Bảo Long.

Làm việc với ông Hoàng Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNV Hải Dương khai nhận với lực lượng Cảnh sát biển: Lô hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp được Công ty mua của Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Hồng Hà (khu 8, Tiên Du, Phù Ninh, Phú Thọ), vào tháng 6/2018 nhưng hàng hóa không vận chuyển về Hải Dương. Tháng 11/2018, lô hàng này bán cho Công ty Bảo Long. Công ty TNV Hải Dương hợp đồng với Công ty Phạm Trường HD chuyên chở than từ cảng 10/10 Cẩm Phả, Quảng Ninh về Công ty Bảo Long.

Làm việc với ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc Công ty Phạm Trường HD, ông này cho biết hợp đồng vận chuyển với Công ty TNV Hải Dương, từ ngày 1/9 đến 31/12/2018, Công ty Phạm Trường HD sử dụng phương tiện thủy nội địa vận chuyển than từ Cẩm Phả về các cảng trên địa bàn huyện Kinh Môn nhưng không cung cấp được cho cơ quan Cảnh sát biển bất cứ giấy tờ gì về vận chuyển lô hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp.

Phóng viên Báo TN&MT làm việc với Cảnh sát biển Việt Nam.

Do vậy hoạt động vận chuyển, giao nhận 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp từ cảng 10/10 Cẩm Phả-Quảng Ninh về Công ty Bảo Long không diễn ra trên thực tế. Vì thế Công ty Bảo Long không có nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp để chế biến ra số than trên tàu Nam Vỹ 79. Lô hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp Công ty Bảo Long khai mua của Công ty TNV Hải Dương là một đầu vào để chế biến ra sản phẩm trên tàu Nam Vỹ là không có thật. Hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, phiếu xuất kho… liên quan đến bán lô hàng 5.427,35 tấn than cám hỗn hợp giữa Công ty TNV Hải Dương và Công ty Bảo Long có thể khẳng định là lập khống, có dấu hiệu để hợp thức hóa một lô hàng khác của Công ty Bảo Long.

Để làm rõ chất lượng than trên tàu Nam Vỹ 79, Cảnh sát biển Việt Nam đã yêu cầu giám định toàn bộ khối lượng, chất lượng than trên tầu Nam Vỹ 79. Theo chứng thư giám định số ITC.19.06.0923 ngày 29-6-2019 của Công ty Cổ phần Giám định và chuyển giao công nghệ ITC xác định: Hàng hóa trên tàu Nam Vỹ 79 là 2.552,07 tấn than cám 7C, có nhiệt lượng (Qk) là: 3.560 cal/g; tro quy khô là 47,23%. Vậy là chứng thư giám định của Quacontrol do tàu Nam Vỹ 79 cung cấp cho Cảnh sát biển không phản ánh chính xác hàng hóa trên tàu. Kết quả giám định sai lệch về trị số tỏa nhiêt gần 1.000 cal/g (Gám định của Cảnh sát biển cho chỉ số nhiệt lượng Qk = 3.560 cal/g, giám định của Công ty Bảo Long cung cấp Qk= 2.686 cal/g).

Từ các chứng cứ cho thấy toàn bộ số hàng 2.552 tấn than cám 7C Công ty Bảo Long bán cho Công ty Lộc An, vận chuyển trên tàu Nam Vỹ là không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định tại khoản 2 điều 15, Nghị định 162/2013/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 23/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì lẽ đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định việc tạm giữ phương tiện trên tàu Nam Vỹ 79 và hàng hóa trên tàu vào ngày 16-6-2019 là đúng với trình tự thủ tục. Việc Bộ Tư lênh Cảnh sát biển ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 188/QĐ-XPVPHC ngày 12-8-2019 để xử phạt hành chính với  Công ty Bảo Long 60 triệu đồng, có hình phạt bổ sung tịch thu toàn bộ 2.552,07 tấn than cám 7C vận chuyển trên tàu Nam Vỹ 79 là đúng trình tự thủ tục, đúng quy định tại khoản 3, điều 15 của Nghị định 162/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính Phủ.

Để xác minh, làm rõ những góc khuất trong “chuyến tàu không thuyền trưởng” Nam Vỹ 79 với những khuất tất xuất xứ hàng hóa, phóng viên Báo TN&MT đã làm việc với chính quyền địa phương tỉnh Hải Dương và Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam.

Báo Điện từ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về vụ việc.

                                                                         

   Trần Tuấn - Xuân Vũ