Hướng tới giao thông bền vững môi trường ở Châu Á
Môi trường - Ngày đăng : 15:54, 29/10/2019
Phát biểu chủ trì Phiên toàn thể với chủ đề: “Giao thông đô thị bền vững hài hòa đồng lợi ích với Chất lượng không khí - Tương lai ở châu Á” thuộc Diễn đàn Giao thông bền vững môi trường lần thứ 12, đang diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Việc các đại biểu, các chuyên gia về giao thông, môi trường từ các quốc gia châu Á, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tham dự đã cho thấy, đây là cơ sở khẳng định quyết tâm hướng tới một tương lai giao thông bền vững môi trường ở châu Á.
|
Chỉ rõ hiện trạng chất lượng không khí ở các nước Châu Á đang diễn biến phức tạp hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, trong một số thời điểm, chất lượng không khí một số đô thị lớn ở mức kém, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí như cháy rừng, khí thải, bụi từ các công trình xây dựng; chất thải công nghiệp, và đặc biệt là do nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông vận tải, kết hợp với hiện tượng thời tiết.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đặt vấn đề: “Chúng ta sẽ có những biện pháp nào về giao thông để kiểm soát, phòng ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí?”
Bàn thảo về vấn đề này, ông Holger Dalkmann – nhà sáng lập và điều hành Sustain 2030 (Cộng hòa Liên bang Đức) phân tích, việc cải thiện chất lượng không khí liên quan trực tiếp đến cải thiện tình hình giao thông. Trong đó, việc chuyển đổi giao thông ở các quốc gia Châu Á, đặc biệt ở các nước đang phát triển cần có giải pháp mang tính đồng bộ, tích hợp giữa phương thức quản trị, cơ chế tài chính và đổi mới công nghệ.
Ông Holger Dalkmann chia sẻ về một số biện pháp chuyển đổi giao thông để giảm ô nhiễm môi trường |
Lấy ví dụ điển hình trong việc kiểm soát và chuyển đổi giao thông đảm bảo môi trường, ông Holger Dalkmann nêu dẫn chứng: “Ở Thâm Quyến - Trung Quốc, người dân sử dụng nhiều xe bus điện hơn Hoa Kỳ. Tại Bắc Kinh, từ năm 2010, chính quyền thành phố đã thiết lập những khu phát thải thấp. Hay ở Singapore, từ năm 1970, Chính phủ đã có những chính sách để khuyến khích đạp xe, đi bộ để giảm các phương tiện các nhân.”
Từ những ví dụ này, ông Holger Dalkmann nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường là việc cần làm ngay lập tức. Chỉ có sự cải thiện về giao thông mới giảm được ô nhiễm không khí. Nhìn xa hơn, nó chính là một trong những biện pháp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.
Lấy Nhật Bản là một đất nước tiêu biểu ở Châu Á trong sử dụng các phương tiện công cộng để giảm lượng khí thải ra môi trường, ông Yasuki Shirakawa – chuyên gia của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, đường sắt đô thị được coi là giải pháp khả thi. Những năm 2960, Nhật Bản từng có ô nhiễm không khí rất trầm trọng bởi sự gia tăng của phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô…
Sau đó, với chính sách xây dựng các tuyến đường sắt công cộng, hàng chục triệu người dân Nhật đã từ bỏ phương tiện cá nhân, dẫn tới kết quả là hàng triệu tấn cácbon được giảm tải mỗi năm. “Tôi cho rằng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng có thể phát triển mạng lưới đường sắt như vậy” - ông Yasuki Shirakawa kiến nghị.
Các đại biểu tham dự Phiên họp |
Đại diện cho các nước Đông Nam Á, đại biểu của Bộ Giao thông Malaysia cho biết, nước này đã cố gắng cảu thiện môi trường sinh thái thông qua việc thiết lập hệ thống giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sinh học. Còn Ấn Độ lại chú trọng đến xây dựng các tuyến metro ở các thành phố lớn. Chính phủ nước này cũng thúc đẩy hợp tác công - tư để hỗ trợ vốn cho các tuyến đường sắt. Mục tiêu đến năm 2030, Ấn Độ sẽ hướng tới mục tiêu sử dụng xe điện toàn phần.
Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu quốc tế, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, những giải pháp mà Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn độ, Srilanka, Bangladesh,… trình bày là những kinh nghiệm hữu ích để chia sẻ và nhân rộng, để các nước cùng chung tay giảm thiểu, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trong bối cảnh phát triển giao thông vận tải, định hướng cho một tương lai Châu Á phát triển bền vững hơn.