Cường “rác”

Môi trường - Ngày đăng : 11:44, 29/10/2019

(TN&MT) - Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản, anh Trần Văn Cường (35 tuổi, tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại tranh thủ thu gom vỏ lon, chai nhựa... trôi trên biển, bán kiếm tiền gây quỹ cho học sinh nghèo, góp phần bảo vệ môi trường.

Mong muốn biển sạch hơn

Một ngày nắng nhẹ tháng 10, chúng tôi gặp Cường tại cửa biển Thuận An lúc anh vừa đi đánh bắt cá dài ngày trở về. Khi các “đồng đội” đã xuống khỏi tàu, phía trên khoang, chỉ còn mình Cường hì hục sắp xếp hàng trăm chai nhưa, vỏ lon bỏ vào bao lưới.

Biển sạch hơn với hành động vớt rác trên biển của Cường

Khuôn mặt hớn hở, Cường cho hay, anh đã bám biển mưu sinh cùng gia đình được gần 20 năm. Mỗi lần đi biển, anh chứng kiến nhiều người dân, khách du lịch... thẳng tay ném rác xuống mặt nước. “Tự dưng mình suy nghĩ nếu không vớt thì nguy cơ ô nhiễm biển rất cao, tôm cá sẽ không sống được sẽ thất thu. Từ đó, cứ thấy vỏ lon bia, chai nhựa hay bao bì trôi là mình vớt lên tàu”, Cường thổ lộ.

Theo Cường, anh giữ chức Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố Tân Bình đã được vài năm, cộng với thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động nhiều phong trào hạn chế ô nhiễm như “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Nói không với túi ni lông”; nên Cường càng ý thức và thôi thúc mình phải tiên phong làm một việc thật ý nghĩa để bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển không bị ảnh hưởng do rác thải đặc biệt là rác khó phân hủy.

Cường đã tận dụng các vây lưới bỏ, rổ cá bị hư hỏng... để chế tạo thành cần vợt, rổ đựng. Trên chiếc tàu công suất hơn 1.000 CV của mình, Cường còn bố trí khoang riêng để dành cho các lao động, thuyền viên gom vỏ chai nhựa. “Mỗi năm, mình đi biển hơn 6 tháng, bình quân mỗi tháng 4 - 5 chuyến, mỗi chuyến từ 3 - 4 ngày, dài nhất là những chuyến ra quần đảo Hoàng Sa kéo dài nửa tháng. Trung bình một tháng thu gom, mình bán được hơn 300.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng mình cảm thấy rất vui, ý nghĩa, nếu không vớt sẽ rất nguy hại cho biển”, Cường chia sẻ.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Chàng thanh niên miền biển tâm sự, số tiền thu gom được sau mỗi chuyến đi đánh bắt trở về, anh đều đem đóng góp cho Đoàn Thanh niên của thị trấn Thuận An để gây quỹ, giúp đỡ cho học sinh nghèo hiếu học.

Những rổ đựng cá bỏ đi sẽ được Cường tận dụng để đựng rác

“Tuy của ít nhưng rất ý nghĩa. Không ít người thấy mình làm vậy đã bàn tán, hơi đâu mà lo mấy chuyện đó, kiếm mấy đồng mần chi. Nhưng mình thấy việc làm mình đang thực hiện là đúng nên mình cứ làm. Giá như thuyền nào đi biển cũng nhặt rác thì biển sẽ sạch biết mấy. Hoặc nhặc rác gần ven bờ cũng là quý, mỗi ngày như thế, biết bao vỏ nước uống, nước giải khát đổ xuống...”, Cường thổ lộ.

Qua nhiều việc làm hay, Cường vừa được tín nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An, với khoảng 30 thành viên. Cương vị này giúp Cường có thêm cơ hội tuyên truyền, vận động các đồng nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ thói quen xả rác xuống biển cũng như hành động nhặt rác trên biển. Mong muốn của Cường là nhân rộng thu gom rác thải trên biển tới nhiều tàu khác ở địa phương cũng như toàn tỉnh.

Theo Cường, ở một số tỉnh ven biển, họ có một hội hay tổ chức đứng đầu tuyên truyền, vận động, cam kết, đặt ra chỉ tiêu... nên các tàu cá chấp hành rất nghiêm túc gom nhặt các loại rác phế liệu trên biển. Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở Huế cùng đồng lòng vào cuộc, tin chắc mô hình như này sẽ được nhân rộng...

Số tiền kiếm được nhờ bán rác, Cường gây quỹ giúp học sinh nghèo

“Mong rằng, trên mỗi tàu có ít nhất một thùng rác bằng inox để đựng các bao bì ni lông, tránh vứt xuống biển ảnh hưởng đến cá, tôm... Đó cũng là cách làm để giảm bớt công lao động của các bạn trẻ, học sinh, cán bộ nhân viên phải ra quân dọn rác trên các bãi biển hằng tuần”, Cường bộc bạch.

Anh Lê Hoành Thành - Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thuận An nhận xét, mô hình vớt, thu góm rác thải nhựa trên biển như của anh Cường là việc làm tốt, đáng khích lệ và biểu dương.

“Đa số con em địa phương đều đi biển, mưu sinh nhờ biển. Vì thế mong rằng, nhiều người sẽ nhìn vào đó để học tập, có những việc làm ý nghĩa để bảo vệ môi trường biển. Thời gian tới, địa phương sẽ tận dụng các lưới cũ từ các tàu hỗ trợ, sau đó, cải tạo thành các túi đựng rác và phân phát cho mỗi thuyền viên để nhân rộng mô hình vớt rác trên biển...”, anh Thành nhấn mạnh.

Văn Dinh