Lập đề án Tổng thể hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai 5 tỉnh Tây Nguyên

Đất đai - Ngày đăng : 18:04, 28/10/2019

(TN&MT) - Chiều 28/10, Bộ TN&MT đã họp Hội đồng thẩm định Đề án “Tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với BĐKH tại 05 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn2019 - 2025” (gọi tắt Đề án Tổng thể) do Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì.

C

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Quản Lý đất đai, Đề án Tổng thể được thực hiện nhằm hoàn thiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính; điều tra cơ bản đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đưa vào vận hành khai thác kịp thời, hiệu quả; Tạo lập công cụ, tài liệu phục vụ việc quản lý chăt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó BĐKH, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên.

Đề án được thực hiện trên phạm vi  5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk , Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, không bao gồm khối lượng công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã và đang thực hiện trước đó.

Toàn cảnh Hội đồng 

Đề án Tổng thể gồm các nhiệm vụ chính đó là: Điều tra cơ bản về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó BĐKH vùng TâyNguyên; Điều tra chỉnh lý bổ sung bản đồ thổ nhưỡng tại 5 tỉnh tây Nguyên; Điều tra đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, diễn biến thoái hóa đất, ô nhiễm đất tại 5 tỉnh Tây Nguyên; Đề xuất hướng sử dụng đất bền vững nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó BĐKH; Đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương trong phạm vi Đề án vào cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương;Tăng cường trang thiết bị vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Đề án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2025, trong  đó, năm 2019 thực hiện xây dựng và phê duyệt Đề án ở Trung ương, từ 2020 – 2025 triển khai và thực hiện Thiết kế kỹ thuật, dự toán, kế hoạch chương trình hoạt động và tổng kết vào năm 2025.

Các đại biểu thành viên Hội đồng đánh gía cao Đề án bởi tính cấp thiết cũng như tính mục tiêu rõ ràng của Đề án. Bởi lẽ hiện nay, đất nông, lâm trường tại 5 tỉnh Tây Nguyên phần lớn gần biên giới, lại được giao cho các nông lâm trường, địa phương, người dân qua nhiều năm thường bị chồng chéo, không rõ về quyền sử dụng lẫn số lượng được giao. Đây cũng chính là các tỉnh chậm nhất trong cả nước về việc hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo như Nghị quyết 39/2012/QH13 của Quốc hội đưa ra mà nguyên nhân cơ bản là không thể xác định được nguồn gốc sử dụng đất.

Chính vì vậy tại thông báo số 14/TB-VPCP ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp, trong đó có việc rà soát lại các quy định của pháp luật đất đai, chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, di dân tự do đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, kiểm soát di dân tự do; lập đề án tổng thể đo đạc bản đồ, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2019 – 2025. Từ những yêu cầu này, Đề án Tổng thể đã được giao cho Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương thực hiện Đề án.

Với những ý nghĩa thiết thực, cấp bách mà Đề án Tổng thể đưa ra cùng sự làm việc nghiêm túc trong xây dựng Đề án của Tổng cục Quản lý Đất đai, 11 thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Đề án để trình lên Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại Hội đồng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu các thành viên trong tổ xây dựng Đề án cần nghiêm túc chỉnh sửa, bổ sung những góp ý của Hội đồng thành viên; đồng thời cần sửa chữa, bổ sung, cập nhật thông tin, dữ liệu mới hơn về thực trạng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Đề án đang lấy số liệu năm 2017), chỉnh sửa lại mục tổng quát, mục tiêu cụ thể cho phù hợp hơn với thực tiễn, và những phần còn trùng lắp trong Đề án, nhanh chóng hoàn thiện trình Bộ TN&MT để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Kim Liên