Cần sớm hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi mỏ đá vôi Phong Xuân

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:11, 28/10/2019

(TN&MT) - Tình trạng khói bụi ô nhiễm, nứt nẻ nhà cửa, sụt lún... từ việc nổ mìn khi khai thác mỏ đá vôi thuộc xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân.

Khu vực mỏ đá vôi Đồng Lâm đang được khai thác

Dân khổ vì mỏ đá

Qua tìm hiểu của PV, năm 2009, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho phép khai thác đá vôi bằng phương pháp lộ thiên thuộc xã Phong Xuân, trữ lượng khai thác là 49.959.788 tấn đá vôi, công suất khai thác khoảng 1.752.975 tấn/năm, độ sâu khai thác -30m, thời hạn 30 năm.

Khoảng năm 2014, mỏ đá được Công ty Tân Việt Bắc thuê và đưa vào khai thác, cũng từ đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc (xã Phong Xuân) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, việc nổ mìn làm cả khu vực xung quanh rung chuyển, nhiều nhà nền móng yếu nên tường xây bị nứt toác, nguy cơ nhà sập. Ngoài ra, quá trình vận chuyển cũng gây nên nhiều hệ luỵ về môi trường, khi trung bình mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chạy ra vào khu mỏ để chở đất đá, khiến bụi gây ô nhiễm, cây xanh phủ một màu bạc trắng...

Nhà cửa người dân bị nứt nẻ nặng

Ngoài việc nứt nẻ nhà, hoạt động khai thác mìn còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Do áp lực nổ lớn, đất đá văng tung khắp mặt ruộng khiến những cánh đồng lúa xung quanh không thể canh tác được. Hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm. Ruộng có nhiều khu vực phải bỏ hoang. Việc nổ mìn còn khiến nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vườn tược của dân thời gian gần đây cũng sụt lún do khai thác đá. Các hố sụt lún ở nhiều vị trí, rộng chừng 1m2, sâu khoảng 0,2 đến 1m.

“Gia đình tôi có 14 sào lúa, cách mỏ đá vôi khoảng 100 đến 150m. Ngoài ảnh hưởng thời tiết, việc nổ mìn khai thác đá quá gần với đất sản xuất dẫn đến sụt đất, mất nguồn nước và năng suất lúa chỉ còn trên dưới 1tạ/sào thay vì 2,5-3 tạ/sào như trước đây”, ông Trần Văn Khánh (thôn Xuân Điền Lộc) thổ lộ.

Cần sớm hỗ trợ cho dân

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, các hố sụt lún xuất hiện từ tháng 6/2014, đến tháng 7/2015 đã ghi nhận có tất cả 35 hố sụt lún tại khu vực đồng ruộng Mỏm Lang thôn Điền Lộc, chạy dọc theo tuyến đê bao số 1.

Công ty Đồng Lâm cho hay đã thực hiện các giải pháp xử lý theo các đề xuất mà các chuyên gia đưa ra, cụ thể công ty đã thay đổi cơ bản thiết kế khai thác, làm đê ngăn nước, tạo hồ cân bằng và lấp nhét đất sét trong các khe nứt nên đã ngăn chặn gần như hoàn toàn hiện tượng sụt lún ngoài đồng ruộng, cũng như hạn chế đáng kể việc mất nước ở đồng ruộng, khu vực bị sụt lún sát đê bao mỏ đá vôi đã được tổ chức canh tác hoa màu bình thường. Công ty lập dự toán hỗ trợ di dời 17 ngôi mộ với kinh phí trên 100 triệu đồng.

Nhiều hố sâu xuất hiện ở các nhà dân và ruộng vườn

Việc khai thác mỏ đá vôi cũng đã làm rạn, nứt 127 công trình nhà ở, đình làng, nhà văn hóa thôn và nhà thờ họ nằm trong phạm vi 500m. Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ cho 118 hộ gia đình sửa chữa lại nhà với số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 381 tấn xi măng cho 127 hộ. Năm 2018, tiếp tục khảo sát thêm 9 hộ gia đình, nhưng chưa chi trả tiền hỗ trợ. Ngoài ra, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người bị ảnh hưởng do khói bụi, đá văng, sụt lún, mất nước tại thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc là trên 25ha.

Điều mà người dân địa phương mong muốn là sớm được hỗ trợ và di dời đến nơi ở mới chứ không muốn ở cạnh mỏ đá nữa...

Ông Trần Văn Phẩm (thôn Xuân Lộc) chia sẻ, tất cả nhà và diện tích sản xuất của người dân gần mỏ đê bao và cách mỏ đê bao 300m bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nổ mìn...

“Đa phần người dân mong được di dời đến nơi ở mới; đồng thời thu hồi diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng và đền bù thỏa đáng. Chờ đợi mãi mà không thấy gì tiến triển, họp hành cũng cho có...”, ông Phẩm nói.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (đi đầu) kiểm tra thực tế khu vực nổ mìn mỏ đá vôi Phong Xuân và yêu cầu các ngành chức năng và doanh nghiệp sớm hỗ trợ cho dân

Theo Sở Công Thương, các ban ngành đã đề nghị trong quá trình thi công khai thác mỏ doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn nổ mìn, khai thác đúng thiết kế mỏ được phê duyệt, cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình thi công tại khu vực này, tăng cường công tác cảnh giới, cảnh báo, canh gác, rà soát hết các mối nguy cơ tiềm ẩn, áp dụng các phương pháp công nghệ khoan, nổ mìn tiên tiến để hạn chế đến mức tối đa các ảnh hưởng nổ mìn trong quá trình thi công khai thác.

Về lâu dài để tiếp tục khai thác mỏ sau năm 2019, Công ty Đồng Lâm phải phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan lập phương án cụ thể đảm bảo ranh giới an toàn trong quá trình nổ mìn khai thác cho toàn khu mỏ phù hợp với kế hoạch khai thác mỏ, không được tiến hành nổ mìn khai thác mỏ tại các khu vực không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Kiểm tra mỏ đá vôi Phong Xuân ngày 23/10 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh và huyện Phong Điền phối hợp với Nhà máy xi măng Đồng Lâm đánh giá lại tác động của việc nổ mìn ở mỏ đá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Ngoài ra, sớm xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Lưu cũng yêu cầu UBND huyện Phong Điền phải lập đề án di dời dân cách đê bao mỏ đá 300m trong tháng 11/2019.

Văn Dinh