Giảm phát thải các chất ô nhiễm từ than: Chìa khóa thành công trong BVMT
Thời sự - Ngày đăng : 13:41, 28/10/2019
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Quá trình đốt cháy than để sản xuất điện sẽ tạo ra các loại bụi, CO2, SOx, NOx, thủy ngân… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, hiện nay Châu Á chiếm tới 75% lượng tiêu thụ than toàn cầu, và trong khi các khu vực khác đang đẩy mạnh việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng "xanh" hơn, các nước châu Á vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Trong những năm gần đây, các nước Châu Á đã có những nỗ lực trong việc đẩy mạnh sản xuất và bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo khác vào hệ thống cung cấp năng lượng nhưng những cố gắng đó vẫn chưa đủ. Khu vực Châu Á, đặc biệt, các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia… vẫn là khu vực mà nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Do đó, giảm phát thải các chất ô nhiễm từ than ở các nước Đông Nam Á và Châu Á là chìa khóa thành công trong việc bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh này, việc tổ chức “Hội nghị quốc tế về phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than lần thứ 14” tại Việt Nam mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hội nghị sẽ thảo luận về nhiều nội dung liên quan, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến trong kiểm soát phát thải ô nhiễm, đẩy mạnh quy trình sản xuất than sạch.
Hội nghị sẽ là một diễn đàn dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và xây dựng chính sách về ô nhiễm không khí do hoạt động đốt than chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý và đưa ra những ý tưởng khoa học nhằm hoạch định các chiến lược và phát triển công nghệ kiểm soát và giảm thiểu chất ô nhiễm.
Đây cũng là cơ hội lớn cho việc gặp gỡ, hợp tác giữa các cơ quan quản lý, các nhà tư vấn, nhà cung cấp thiết bị và các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu về kiểm soát ô nhiễm không khí trên toàn thế giới.
Thứ trưởng mong muốn thông qua các nội dung thảo luận, trao đổi trong hội nghị lần này sẽ thúc đẩy thêm các nghiên cứu về giảm phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than, cũng như tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực nhiệt điện than và các tập thể nghiên cứu khoa học, đề xuất những giải pháp thực tiễn để giảm ô nhiễm môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than.
Bà Lesley Sloss, chuyên gia tư vấn của Trung tâm than đá sạch của Cơ quan năng lượng quốc tế phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, bà Lesley Sloss, chuyên gia tư vấn của Trung tâm than đá sạch của Cơ quan năng lượng quốc tế giới thiệu Trung tâm than đá sạch của IEA là một phần của mạng lưới quan hệ đối tác hợp tác tự chủ tập trung vào một loạt các công nghệ năng lượng được gọi là Chương trình hợp tác công nghệ (TCP).
“Chúng tôi được tài trợ bởi chính phủ các quốc gia (các bên tham gia tổ chức) và bởi các tổ chức doanh nghiệp (nhà tài trợ)” - bà Lesley Sloss cho biết.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Theo bà, CCC có nhiệm vụ cung cấp thông tin một cách độc lập và phân tích về cách than có thể trở thành nguồn năng lượng sạch hơn, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Trong 3 ngày từ 28-30/10, Hội nghị quốc tế về Phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt than lần thứ 14 tập trung vào các chủ đề: Công nghệ kiểm soát khí thải; giám sát khí thải ở nồng độ thấp; thúc đẩy hệ thống than sạch hơn ở các khu vực mới nổi; các lựa chọn để làm sạch than trong toàn bộ chuỗi than, từ khai thác đến phát thải.