Chuyên gia nói gì về đề xuất trồng 600.000 cây không đấu thầu của Hà Nội
Môi trường - Ngày đăng : 11:01, 28/10/2019
UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế đặc thù trồng bổ sung 600.000 cây xanh, hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
Theo đó, Hà Nội sẽ trồng bổ sung khoảng 600.000 cây xanh trên các tuyến đường, phố có vỉa hè rộng, các dải phân cách, và các khu vực trang trí phục vụ các sự kiện lớn của Thủ đô như chào năm mới 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.
Đồng thời đề xuất trồng thêm cây xanh tại các khu vực tổ chức giải đua xe công thức 1 Grand Prix, Sea Game 31, các sự kiện chào mừng 45 năm giải phóng Thủ đô, sự kiện đối ngoại nhân dịp Việt Nam là chủ tịch ASEAN và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội khác.
Theo quy định của Chính phủ, việc trồng cây xanh phải áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Tuy nhiên, theo lý giải của Hà Nội, khi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước, Hà Nội thường được Trung ương Đảng, Chính phủ giao thực hiện nhiều nội dung công việc đột xuất, trong đó có trang trí cây hoa, trồng bổ sung cây xanh với khối lượng lớn trong thời gian ngắn. Công tác trang trí thường phải hoàn thành gấp nên rất khó xác định kinh phí tổ chức đấu thầu.
Hơn nữa, việc trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, phố cũ, phố cũ, khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao lại có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội nên đánh giá lại công tác trồng 1 triệu cây xanh vừa để có phương án hợp lý trong việc trồng 600.000 cây xanh tiếp theo.
“Vừa qua Hà Nội làm rất tốt trong việc trồng 1 triệu cây xanh, vì vậy cần đánh giá lại để có cái nhìn tổng quan mặt nào được, mặt bào chưa được từ đó xem xét nên thực hiện cơ chế đấu thầu hay là đặt hàng ở 600.000 cây tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho hay.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, ở những dịch vụ công, đặc biệt là lĩnh vực trồng cây xanh ở đô thị, nên thông qua đấu thầu từ đó sẽ tạo ra sự minh bạch và lợi ích cho nhà nước.
“Ở dịch vụ công, để có sự minh bạch cao nhất thì nên thông qua đấu thầu vẫn là tốt nhất. Trồng cây xanh ở Hà Nội thông qua đấu thầu thì nó đang đúng các quy định hiện hành. Trong trường hợp không đủ điều kiện để đấu thầu, phương án cuối cùng mới là đặt hàng. Từ việc tính minh bạch cao của đấu thầu đó dẫn đến sẽ có lợi về kinh tế cho nhà nước, cho doanh nghiệp và cả người dân”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kĩ thuật, Bộ Xây dựng phân tích.
Nếu Hà Nội cho rằng trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, phố cũ, phố cũ, khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị nên không nên đấu thầu, thì phải rà soát lại những khu vực này đã trồng cây trong kế hoạch 1 triệu cây Tp. Hà Nội hay chưa để tránh chồng lấn.
“Ở những khu vực không yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, chính trị vẫn cần đấu thầu khi trồng cây xanh, bởi như đã nói ở trên, chỉ có như vậy mới minh bạch và có lợi cho Nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.