Chủ tịch tỉnh đưa người dân sống “treo” ở Kinh thành Huế đi xem nơi ở mới
Thời sự - Ngày đăng : 19:55, 27/10/2019
Ngày 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ đã có buổi gặp mặt với hơn 200 hộ dân thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng (đợt 1) khu vực I di tích Kinh thành Huế, cùng với các hộ dân tham quan thực tế dự án hạ tầng phục vụ tái định cư tại khu dân cư Bắc Hương Sơ (TP. Huế).
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hỏi thăm, chia sẻ và động viên với dân |
Cuộc sống sắp thay đổi
Sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế hiện đang có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Qua rà soát, hầu hết các hộ dân không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích và làm nhà chồ trên mặt nước nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Hiện tại, do không được xây dựng mới, sửa chữa lớn nên phần lớn các hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp. Vì thế, một cuộc di dân lớn đã được tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch và được Thủ tưởng, các ban ngành ủng hộ.
Ông Phan Ngọc Thọ gặp gỡ, tặng quà người dân thuộc diện di dời trong ngày 27/10 |
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho việc di dời dân cư (đợt 1) có diện tích khu vực 1 là 4,98 ha và khu vực 2 là 4,90ha. Dự án có tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng, với gần 500 lô đất tái định cư.
Hiện dự án đang được xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân, bao gồm các hạng mục san nền; đường giao thông; điện chiếu sáng; viễn thông; hệ thống cấp nước; thoát nước; cấp điện sinh hoạt; cây xanh; trường mầm non với thiết kế 2 tầng và 16 phòng học.
Ngay từ sáng sớm 27/10, các hộ dân đã phấn khởi có mặt tại khu dân cư Bắc Hương Sơ để được tận mắt xem nơi ở mới của gia đình mình sau khi di dời. Nhiều người đã không giấu được cảm xúc, vui mừng đến rơi nước mắt.
Bà Trần Thị Nghĩa (87 tuổi, phường Thuận Thành, TP. Huế) cho hay, bà cảm thấy vui mừng khi được đến xem các lô đất sẽ là nơi ở mới, bà khẳng định nơi này rất đẹp.
“Trong mơ tôi cũng không nghĩ có ngày gia đình tôi sẽ được chuyển đến ở một nơi có vị trí thuận lợi, hạ tầng khang trang và đẹp như thế này. Mấy mươi năm sống trong căn nhà tạm bợ, chật chội, giờ tôi chỉ mong sao sớm được về nơi ở mới, cảm ơn tỉnh nhà”, bà Nghĩa thổ lộ.
Ông Phan Ngọc Thọ mua vé số tặng người dân |
Cũng tại buổi gặp mặt, UBND TP. Huế đã công bố 8 mẫu nhà được xây dựng ở khu dân cư để dân tham khảo và thống nhất chọn mẫu nhà để xây dựng đồng bộ ở từng khu vực.
Lãnh đạo TP. Huế khẳng định, đối với 32 hộ nghèo khu vực Thượng thành không đủ điều kiện xây dựng nhà ở sau khi di dân, ngoài khung chính sách hỗ trợ theo quy định, tỉnh và thành phố sẽ vận động các nguồn, kêu gọi mạnh thường quân để có thêm kinh phí xây dựng nhà ở cho bà con với hình thức “chìa khóa trao tay” theo thiết kế nhà mẫu. Ai cũng sẽ có nhà mới sau khi di dời.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Phát triển qũy đất TP. Huế thông tin, hiện trung tâm đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và đang lập phương án bố trí tái định cư, phấn đấu hoàn thành vào đầu tháng 11. Từ ngày 6- 26/11 sẽ công khai, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; từ ngày 30/11- 5/12 thành phố sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đến giữa tháng 12/2019 bắt đầu di dân đợt 1.
Người dân đặt câu hỏi tại buổi gặp mặt |
Tất cả vì dân
Sau khi lắng nghe tâm tư, thắc mắc và mong muốn của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và cám ơn sự ủng hộ, quyết tâm cao của các hộ dân để dự án triển khai đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cuộc di dân lần này là một chủ trương lớn, theo nhận định của Chính phủ, Quốc hội thì đây là cuộc di dân mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với quy mô rất lớn về phạm vi, khối lượng đặc biệt là kinh phí cho nên lãnh đạo địa phương trong thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai những công việc liên quan đến công tác di dời và tái định cư.
“Tôi xin chân thành cảm ơn bà con đã đồng tình chủ trương của tỉnh, xem đây là cuộc đổi đời thực sự về nơi ở, an cư thì lạc nghiệp. Chúng ta sống ở đây đâu phải sống cho thế hệ chúng ta, mà sống cho thế hệ con cháu, sống cho cả TP. Huế, sống cho di sản...”, ông Thọ nói.
Ông Thọ chia sẻ thêm, mặc dù đã có sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, nhưng đến nay kinh phí vẫn đang còn rất khiêm tốn.Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh đã hứa với dân thì sẽ làm đến nới đến chốn, không để ai lùi lại phía sau. Đối với các hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện làm nhà, tỉnh sẽ vận động các nhà tài trợ, các nguồn để hổ trợ nhà cho bà con.
“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là khi xây dựng khu dân cư mới tại đây thì nhà phải theo mẫu, theo chuẩn để có một đô thị đẹp, một đô thị khang trang, một đô thị xanh, sạch, sáng, một đô thị mới kiểu mẫu mang tầm quốc gia. Tỉnh sẽ vận động từ nhiều nguồn để xây dựng nhà trẻ hiện đại, khu vui chơi giải trí và các tiện nghi khác để phục vụ tốt nhất cho bà con khi đến ở nơi khu dân cư mới”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Không khí tại nơi ở mới bỗng trở nên ấm áp, vui tươi và gần gũi hơn khi một bà cụ thuộc diện chuẩn bị di dời đến cám ơn Chủ tịch tỉnh. Thấy cụ bà cầm xấp vé số trên tay, ông Phan Ngọc Thọ hỏi mua và rút 30 tờ tặng cho người dân với lời chúc “Mong bà con được trúng số, đổi đời...”. Đồng thời rút ví lấy 300.000 đồng trả tiền vé số cho bà cụ.
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho việc di dời dân cư (đợt 1) đang được thi công |
Được biết, Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài... Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Tại các buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế.
Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.