Bình Định: Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên biển, đầm phá

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:00, 27/10/2019

(TN&MT) - Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Bình Định vừa phối hợp với các đơn vị chức năng mở đợt tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển và các đầm phá. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm.

“Điểm sáng” qua đợt cao điểm

Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-SNN ngày 11.9.2019 về công tác phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh của Sở NN&PTNT. Từ ngày 17.9 đến ngày 14.10, Chi cục Thủy sản phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quy Nhơn, Đồn Biên phòng Đề Gi và Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Bình Định) tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động thủy sản vùng cảng biển Quy Nhơn, cảng biển Đề Gi (huyện Phù Cát).

Trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản tại địa phương hiểu và chấp hành các quy định mới về Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và các quy định về IUU. Đồng thời, bố trí lực lượng chức năng hỗ trợ Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi đảm bảo tình hình ANTT tại khu vực cảng cá, vùng nước trước cảng cá Quy Nhơn và Đề Gi.

Thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản kiểm tra thủ tục hành chính hành nghề của một tàu cá hoạt động trên biển.

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng còn thành lập hai Tổ công tác phối hợp, gồm: Tổ công tác tại Quy Nhơn và Tổ công tác tại Đề Gi, phân công lực lượng, phương tiện tham gia để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát IUU ở hai khu vực trọng điểm Quy Nhơn và Đề Gi. Đặc biệt, công tác theo dõi, giám sát tình hình và duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát tại địa bàn cũng được thực hiện chặt chẽ. Cụ thể, các đơn vị liên quan thường xuyên trinh sát theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng sử dụng xung điện xiếc máy, nghề giã cào vi phạm ở đầm Thị Nại, đầm Đề Gi và vùng ven bờ ở khu vực biển vịnh Quy Nhơn; vùng các bãi đá ngầm ven cửa biển Đề Gi.

Kết quả từ ngày 17.9 đến ngày 14.10, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra tổng số 442 lượt tàu cá hoạt động tại khu vực cửa biển Quy Nhơn và cửa biển Đề Gi. Qua đó phát hiện xử phạt vi phạm hành chính gần 98 triệu đồng/18 trường hợp vi phạm, buộc 62 chủ tàu, thuyền trưởng hoàn thành các thủ tục giấy tờ liên quan đến tàu cá và thuyền viên. Cụ thể, tại Quy Nhơn lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát 271 lượt tàu cá ra vào cửa biển, phát hiện xử lý vi phạm hành chính với số tiền 92 triệu đồng/12 trường hợp. Trong đó, có 61 tàu cá nghề giã cào và 37 tàu cá thiếu giấy tờ không cho ra ra khơi khai thác. Các trường hợp vi phạm còn lại xảy ra ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

Ông Nguyễn Kim Ngôn, Trưởng phòng Phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản, cho biết: Việc tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã có kết quả tích cực, răn đe, chấn chỉnh trong hoạt động khai thác của các tàu cá tại các địa phương chấp hành ngiêm túc các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản. Nhất là đối với tàu cá hoạt động nghề giã cào và tàu cá loại nhỏ có chiều dài dưới 12m đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, chấp hành pháp luật trong việc chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng và hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ liên quan. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy sản, đảm bảo an toàn, trật tự, góp phần giữ gìn an ninh khu vực biên giới biển tại địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng phối hợp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là việc chưa xử lý các đối tượng sử dụng xung điện xiếc máy hoạt động trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi vì các đối tượng này phát hiện có lực lượng chức năng hoạt động thường trực tại cảng Quy Nhơn và cảng Đề Gi nên đã tạm ngừng hoạt động. Do đó, từ ngày 24.10 đến ngày 30.11.2019, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát về IUU trên đầm Thị Nại. Trong đợt ra quân lần này, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các tàu cá hoạt động khai thác không có đầy đủ giấy tờ theo quy định, sử dụng xung điện xiếc máy, lồng xếp, giã cào khai thác thủy hải sản trên đầm.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nhấn mạnh: “Đợt cao điểm kiểm tra lần này nhằm mục đích khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chủ tàu, thuyền trưởng khi tham gia hoạt động khai thác thủy hải sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc hành nghề trên vùng sông nước nói chung và vùng biển nói riêng”.

Xác định đợt ra quân lần này sẽ là một trong những giải pháp căn cơ giải quyết việc khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), cho hay: “Xã sẽ cử cán bộ phối hợp lực lượng chức năng tổ chức đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ gia đình, các đối tượng cam kết từ bỏ nghề cấm, đặc biệt không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy hải sản trái phép. Tất cả các giải pháp thực hiện đều chung một mục tiêu để Ủy ban châu Âu sớm gỡ “thẻ vàng” với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”.

Như Quỳnh